Dệt may Việt Nam 'ngồi trên lửa' vì Covid-19

Tình hình huỷ, dừng, tạm ngừng đơn hàng lan rộng do dịch Covid-19 khiến ngành dệt may Việt Nam như ngồi trên đống lửa.
Dệt may có thể thiệt hại 3.000 tỷ đồng mỗi tháng vì dịch Covid-19

Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý 1/2020, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, ngành dệt may thế giới, ngành dệt May Việt Nam và Vinatex không phải ngoại lệ.

Tính đến nay, tình hình huỷ, dừng, tạm ngừng đơn hàng đang lan rộng. Trước mắt gần như 100% các đơn vị đã thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5 với tỷ lệ từ 30-70% công suất, phụ thuộc đang làm cho khách hàng nào. Thương hiệu càng cao tỷ lệ cắt giảm càng lớn. Chưa có một tín hiệu nào về thời gian phục hồi, hiện đang dự kiến sớm nhất là tháng 6 mới le lói chút hi vọng bắt đầu phục hồi trở lại.

det may viet nam ngoi tren lua vi covid 19
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 là 20%.

Với tình hình này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 là 20%, doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ hoạt động cả năm chỉ ở mức 70-75% công suất với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6/2020, áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng 2-3 tháng sản xuất.

Mặt khác, rủi ro do Trung quốc đã hoạt động trở lại, cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới 1 đợt giảm giá mạnh toàn cầu với dự kiến đơn giá giảm trên 20%. Trong bối ảnh đó, quý 1/2020 ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong tập đoàn khi vẫn đạt mức trên 93% so với cùng kỳ năm trước về doanh thu, kiêm ngạch xuất khẩu, tuy nhiên lợi nhuận chỉ bằng 85% cùng kỳ.

Dệt May Việt Nam chưa thực sự được hồi phục khi bị ảnh hưởng gián tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì đã phải bước qua tiếp một thực tế không mấy sáng sủa do dịch bệnh Covid-19 mang lại. Hiện tại với ngành may tình trạng hủy đơn hàng hoặc không đặt hàng bắt đầu diễn ra, khi người tiêu dùng tại Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu bởi dịch bệnh.

Với ngành sợi tình hình cũng không diễn biến khá hơn do cầu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Nhìn chung bức tranh xuất khẩu cho dệt may Việt Nam năm 2020 chưa đón nhận tin tức tốt đẹp, mà phủ bằng gam màu u ám. Kỳ vọng với sự nỗ lực của Chính phủ các nước, dịch bệnh có thể sớm được đẩy lùi vào cuối quý 2/2020.

Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp bắt đầu diễn ra vào những tháng đầu tiên của quý 2/2020.

Với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới thì chắc chắn dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu, trong đó kịch bản cao là đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD giảm 10% so với năm trước, và kịch bản hiện thực là khoảng 33,5 tỷ USD, kịch bản thấp chỉ đạt 30-31 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 cho thấy tình kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, doanh thu thuần quý 1 của May Việt Tiến giảm 15%, xuống còn 1.475 tỷ đồng. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng của doanh nghiệp này lại lần lượt tăng 34% và 8%.

Trong quý 1/2020, May Việt Tiến ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 107 tỷ đồng.

Kết quả, May Việt Tiến ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng trong quý 1/2020, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 88 tỷ đồng.

Theo lý giải của May Việt Tiến, nguyên nhân công ty kinh doanh sa sút là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU ( đây là thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng. Đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu quý 1/2020 giảm 251 tỷ đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động