Dệt may nguy cấp thế nào vì Covid-19?
CEO Vinatex dự báo thị trường xuất khẩu dệt may có nguy cơ giảm tới 30-40% Ngành dệt may chuyển mô hình sản xuất để tìm “cửa sống” |
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa đã tổ chức buổi họp trực tuyến 3 miền Bắc – Trung – Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn 6 tháng đầu năm và đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Vinatex, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Cụ thể, tính riêng quý 2/2020, doanh thu thuần của Vinatex đạt 3.082 tỷ đồng giảm 36% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm tới 91% trong doanh thu thuần nên lãi gộp đạt 280 tỷ đồng, giảm 36% so với quý 2/2019.
Ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Vinatex ghi nhận doanh thu giảm 24,5% so với cùng kỳ, đạt 7.046 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019.
Đặc biệt, tháng 4/2020, Vinatex hầu như không có doanh thu do miền Bắc bị áp dụng lệnh giãn cách xã hội và sản xuất kinh doanh ở miền Nam rất hạn chế.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ không thể kiểm soát được dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì quý 3 và quý 4 của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.
Nguy cấp hơn là đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Vinatex. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.
Trước tình thế khó khăn trên, lãnh đạo Vinatex khẳng định kiên quyết phải bảo vệ hai "tài sản" quan trọng nhất mà là nguồn nhân lực và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.