Đền thờ Nguyễn Duy Thì - Di tích lịch sử văn hóa độc đáo của tỉnh Vĩnh Phúc

Đền thờ Nguyễn Duy Thì (hay còn gọi là Đền thờ Quan Thượng Láng) nay thuộc Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền là nơi thờ cúng Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - vị quan khi xưa với bài khải “Đạo trị nước” dâng chúa Trịnh.
Vĩnh Phúc: Va chạm với xe đầu kéo, nữ công nhân 19 tuổi tử vongVĩnh Phúc: Xử phạt 30 triệu đồng Công ty TNHH tiêm chủng vắc xin Blue Kids Việt NamVĩnh Phúc: Chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Vị quan với tư tưởng "lấy dân làm gốc"

Đền thờ Nguyễn Duy Thì có niên đại cách đây khoảng 400 năm, là nơi thờ cúng, tưởng niệm Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì và con trai của ông là Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.

Nhà thờ Nguyễn Duy Thì, phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhà thờ Nguyễn Duy Thì tại phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Mùi – cháu trưởng họ cụ Nguyễn Duy Thì kể lại, theo lịch sử, Nguyễn Duy Thì (1572-1651) thụy là Hành Độ, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng (1598) đời Lê Thế Tông. Năm Hoằng Định thứ 7 (1606), ông được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng cử làm Phó Chánh sứ đi tuế cống nhà Minh cùng một số vị quan khác trong triều để tạ ơn vua Minh sách phong cho vua Lê.

Năm 1612, Nguyễn Duy Thì cùng các viên Ngự sử 13 đạo dâng bài khải “Đạo trị nước” xoay quanh việc đề cao vai trò của người đứng đầu Nhà nước để ổn định đất nước sau những thiên tai, biến cố của xã hội thế kỷ XVII. Hơn 50 năm phò tá vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Duy Thì từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Hàn lâm viện Thị giảng, Thái phó, tước Tuyền Quận công… Sau khi mất, ông được triều đình truy tặng chức Thái tể.

Nguyễn Duy Hiểu là con trai trưởng của quan Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì. Năm Vĩnh Tộ 10 (1628), ông đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh năm Dương Hòa 3 (1637). Ông làm quan đến chức Thiêm Đô Ngự sử.

Tượng Tế tửu Nguyễn Duy Thì.
Tượng Tế tửu Nguyễn Duy Thì

Kiến trúc độc đáo

Đền thờ Nguyễn Duy Thì làm theo hướng Tây Nam, bố cục mặt bằng hình chữ “Nhị”. Tòa tiền tế có nền dài 14m60, rộng 6m20 chia thành 5 gian 6 hàng cột, cột cái cao 3m65, cột con cao 2m65. Hệ thống liên kết cột xà ở tiền tế có 4 vì kèo, 2 vì ở giữa làm kiểu thượng kèo hạ kẻ, câu đầu chống nóc; 2 vì ở đầu hồi làm kiểu chồng cốn thuận lửng. Toàn bộ cấu kiện gỗ được bào trơn đóng bén. Các chân cột kê đá tròn phù hợp với chu vi của cột. Hiên trước và sau đều có các đầu bẩy cong đều nâng tầu mái khiến cho kiến trúc đền thêm xinh xắn thanh thoát. Trên mái lợp ngói mũi hài đóng óc chặt chẽ. Bờ nóc đắp thẳng ke, trên bờ nóc có 1 hình hổ phù và 2 con kìm. Hổ phù ở giữa bờ nóc, hai tay xòe rộng bám vào bờ nóc, bờm tóc dài, miệng há rộng, mắt lồi bôi đen trắng, đầu đội một hình mặt trời với 7 tia hình mác tỏa ra rất uy nghiêm.

Mộ cụ Nguyễn Duy Thì
Mộ vị quan Nguyễn Duy Thì

Tiền tế có 5 gian thì 3 gian giữa làm cửa bức bàn, 2 gian cạnh xây tường bịt kín nối liền tường đốc, còn phía sau tiền tế để trống hoàn toàn, để qua một khoảng lộ thiên rộng 2m40 là tới hậu cung.

Hậu cung đền 3 gian 4 hàng cột. Chiều cao và kết cấu kiến trúc cùng một thức tương tự như tiền tế. Phía trước hậu cung ứng với 3 gian là 3 ô cửa bức bàn, còn lại đều xây tường kín. Hai đầu bờ nóc có 2 con kìm. Nếu kìm ở tiền tế nửa chìm nửa nổi thì hai kìm ở hậu cung lộ cả người ở tư thế đứng, đuôi xoắn, miệng càm vào bờ nóc trông sống động.

Nhìn chung, kết cấu kiến trúc đền thờ Nguyễn Duy Thì đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ, toàn bộ làm bằng gỗ tốt, bào trơn đóng bén, mộng sàn chặt khít, chắc khỏe. Đền làm từ lúc cụ Nguyễn Duy Thì còn sống nên khách thăm ngắm kiến trúc đền, thấy phảng phất đâu đây phong cách liêm khiết sáng trong của quan Thượng Láng.

Trang trí nội thất ở tiền tế và hậu cung đền được bài trí uy nghi, gồm các đồ thờ: tượng quan Thượng Láng, long ngai, hương án, chấp kích, cuốn thư, hoành phi, câu đối, bình hoa, lư hương, mâm bồng, đài nến…Trong đó, bức hoành phi “Tướng công từ” và 1 hương án, 1 long ngai, là những cổ vật có xuất xứ từ khi xây dựng đền. Những hiện vật còn lại mới bổ sung song đều được tạo tác công phu, điêu luyện, đạt yêu cầu cao về thẩm mĩ, khiến không khí của đền thêm linh thiêng.

Đền thờ Nguyễn Duy Thì - Di tích lịch sử văn hóa độc đáo của tỉnh Vĩnh Phúc
Những tấm bia khắc công trạng của vị quan Nguyễn Duy Thì

Đặc biệt, đền thờ còn lưu giữ một số di vật quý hiếm, có giá trị nghiên cứu lịch sử như: Đòn võng dùng để võng đưa quan Thượng Láng đi lại kinh lý, hoặc từ phủ về triều và ngược lại. Đòn dài 4m, chu vi 30cm, hai đầu cong hình đầu rồng, gỗ tốt. 34 đạo sắc của các triều vua phong cho quan Thượng Láng, vợ và con cháu ông, những người có công trong gia tộc. Quyển chúc thư chữ Hán, viết từ thời Nguyễn Duy Thì còn sống, công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1750, gồm 188 trang, nội dung ghi về quá trình thăng quan tiến chức, bổng lộc, tước vị được ban cấp của quan Thượng.

Đền thờ Nguyễn Duy Thì được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1992, là một di sản văn hóa quý của huyện Bình Xuyên, của tỉnh Vĩnh Phúc và nước Việt Nam ta.

Hằng năm, ngày 11 tháng 9 (Âm lịch), con cháu họ Nguyễn Duy trên khắp cả nước sẽ tề tựu tại đền thờ để tổ chức ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên. Hai hiện vật quý giá được dòng họ Nguyễn Duy Thì lưu giữ đến ngày nay chính là cuốn gia phả chữ Hán và 34 đạo sắc phong cho Nguyễn Duy Thì, người thân của ông.

Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử ấy, nơi đây đã trở thành một trong những di tích tiêu biểu của Thanh Lãng nói riêng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Tư liệu tại cuộc trưng bày chuyên đề về Tế tửu Nguyễn Duy Thì.
Tư liệu tại cuộc trưng bày chuyên đề về Tế tửu Nguyễn Duy Thì.

Ông Phan Mạnh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bình Xuyên cho biết: Huyện đặc biệt coi trọng trọng việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn. Hiện hội kéo song ở Hương Canh đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Ngoài ra, huyện Bình Xuyên đã có đề án phát triển du lịch trong đó có chuỗi du lịch tâm linh, gắn với việc quan tâm đến việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với Đền thờ Nguyễn Duy Thì, huyện cũng chú trọng tôn tạo, Nhân dân trong vùng đều có ý thức gìn giữ di tích.

Đến thăm di tích lịch sử văn hóa này, trong khói hương huyền ảo, du khách vẫn nghe như vang vọng lời khải của con người “văn ngang dọc trời đất” rằng: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước cốt phải yên dân…”.

Lê Sơn
Phiên bản di động