Đem Dự án Westa đi cầm cố trước khi bán cho dân có dấu hiệu hình sự
Tài sản của cư dân Westa bị cầm cố ngân hàng, chủ đầu tư nói gì? Cư dân chung cư Westa "ngồi trên đống lửa" vì ở nhà 5 năm chưa có sổ hồng |
Theo Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư Hà Nội): Vụ việc có dấu hiệu hình sự. |
Liên quan tới sự việc Chủ đầu tư dự án Chung cư Westa đem dự án đã thế chấp ngân hàng bán cho hàng trăm khách hàng trước khi giải chấp. Tuổi trẻ và Pháp luật đã có buổi trao đổi pháp lý với Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Theo Luật sư Lực: Nếu Chủ đầu tư không đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân thì họ hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổn thất do những vi phạm nghĩa vụ của Chủ đầu tư.
Vụ việc có dấu hiệu hình sự, Chủ đầu tư thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng, trước khi bán cho khách hàng các căn hộ đã không thông báo cho người mua biết căn hộ này đã bị thế chấp mà vẫn bán căn hộ cho người dân thì chủ đầu tư đã lừa dối người dân.
Đặt trường hợp Chủ đầu tư không trả được nợ Ngân hàng dẫn đến Ngân hàng thu hồi công nợ bằng việc phát mại toàn bộ Dự án thì đó là dấu hiệu của hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, phạm vào Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần được xác định là tội phạm, phải được xem xét xử lý hình sự. Khi hành vi đó không bị xử lý hình sự sẽ khiến người thực hiện hành vi đó coi thường pháp luật, tiếp tục thực hiện hành vi tội phạm, gây nguy hại cho xã hội. Cư dân có quyền đề nghị Cơ quan Công an vào cuộc điều tra xem xét dấu hiệu của hành vi phạm tội trong trường hợp này.
Trước đó, đỉnh điểm của sự việc là đầu tháng 6 gần 300 hộ dân tòa nhà Westa Hà Đông đồng loạt căng băng rôn quanh tòa nhà phản đối việc chủ đầu tư Công ty CP Coma 18 (Coma 18).
Cư dân nhuộm đỏ 2 tòa chung cư bằng băng rôn để phản đối Chủ đầu tư Coma 18. |
Phía Coma 18 cho rằng: Thời điểm xây dựng tòa nhà Westa năm 2009 là doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty cơ khí xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng. Khi đó vốn điều lệ của công ty là 134 tỷ đồng trong khi tổng mức đầu tư của tòa nhà này dự kiến là 513 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty đã thế chấp sổ đỏ của Dự án là 2.500m2 để lấy tiền xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã gây ảnh hưởng tới các hộ dân liền kề khiến dự án bị trễ mất hơn 6 tháng. Đơn vị thi công phần móng chậm tiến độ tới 2 năm, khi hoàn thiện thì gặp lúc thị trường bất động sản đóng băng nên dự án không bán được.
Hiện Coma 18 hiện đang làm việc với ngân hàng, còn một vài tài sản khác sẽ đưa ngân hàng để chuyển đổi. Tức là ngân hàng nhận tài sản này vào và cho giải chấp dự án. Không phải giải chấp hết mà giải chấp 1 phần. Nếu được thì sẽ có 1/3 số căn được cấp sổ.
Không chỉ thế chấp dự án trước khi bán cho khách hàng, hiện đã 5 năm nhưng Chủ đầu tư Coma 18 vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì cho người dân. Cho tới thời điểm hiện tại, khi cư dân căng băng rôn phủ kín 2 toà chung cư, Chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.