Đề xuất xử lý hình sự người trúng đấu giá “cao ngất” rồi bỏ cọc
Công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản Đề xuất mở động đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá |
Trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc, bóp méo thị trường
Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
Đại biểu Trần Văn Khải cho biết, trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh; hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc.
Theo ông Khải, trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). |
Ông Khải cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá.
Đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, việc này sẽ khắc phục tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc làm bóp méo thị trường đất đai hoặc giành giật quyền mua tài sản "phi vật thể" giá trị kinh tế, thương mại, an ninh, xã hội... rất lớn tuy không "bỏ cọc" nhưng không có đủ nguồn lực tài chính, nguồn vốn mua rồi "để đấy" chờ thời cơ sang nhượng, liên kết hay chuyển đổi.
Đề xuất xử lý hình sự người trúng đấu giá bỏ cọc
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc). Theo ông Thanh, nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). |
Do đó, để hạn chế chuyện bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì “lợi ích nhóm”, thao túng, gây rối, ông Thanh cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc. Trong đó, tăng tiền đặt cọc lên, có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại.
“Tiền đặt cọc phải nộp ngay tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thay vì vài trăm triệu, vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng rất nhiều khi bỏ giá”, ông Thanh nói.
Nêu kinh nghiệm quốc tế, đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự với hành vi bỏ cọc đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong đấu giá tài sản, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh nói.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung và siết chặt các quy định, chế tài khi hoàn thiện pháp luật chuyên ngành, chẳng hạn như việc bổ sung phạt vi phạm hành chính, cấm tham gia đấu giá.
"Quan điểm của chúng tôi là pháp luật quy định càng chặt càng tốt. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhất là xem xét việc bổ sung chế tài nào để hạn chế, ngăn ngừa hành vi này hay không", ông Long nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nói thêm để đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách hợp tình, hợp lý, thực tế cần nhiều yếu tố liên quan, như đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề.