Đề xuất quy định cấm hành vi thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản
Sáng 29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) bày tỏ đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Về một số nội dung cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo luật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình). |
Để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt các đối tượng này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.
Về trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư, đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư.
Cũng góp ý về dự thảo luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng nên chế định, công khai minh bạch bất động sản đưa vào kinh doanh, góp phần quan trọng lành mạnh, trọng sạch thị trường hiện nay, khắc phục bất cập trong thời gian qua, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư và của khách hàng.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, việc công khai cần chú trọng đến công tác thông tin và truyền thông về các dự án bất động sản trên địa bàn để Nhân dân và các cơ quan quản lý Nhà nước được rõ.
Về quản lý nhà nước về bất động sản, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng các quy định về điều tiết thị trường bất động sản còn chung chung, một số chính sách không có nội hàm, chưa giải quyết được vấn đề mất cân đối của thị trường bất động sản. Do đó, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể nội dung chính sách và các giải pháp về điều tiết thị trường bất động sản tại dự thảo luật.
Một số ý kiến cho rằng công cụ quan trọng nhất để điều tiết thị trường bất động sản là thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chiến lược nhà ở, cấp phép thực hiện dự án bất động sản với trục thời gian phù hợp, bảo đảm nguồn cung hợp lý ra thị trường trong một giai đoạn.
Đồng thời, một số ý kiến khác cũng đề nghị hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định về điều tiết thị trường bất động sản để tái cấu trúc thị trường, bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước ở mức độ hợp lý.