Đề xuất lập sàn giao dịch vàng: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Ngân hàng NCB đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh cuối năm VPBank giảm lãi suất, mạnh tay tiếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ dịp cuối năm

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012 Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã được cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra quan điểm là kiên định với những chính sách, cơ chế và những kết quả đã được chứng minh là có hiệu quả và phù hợp trong thời gian qua, đó là Nghị định 24 về quản lý vàng.

Đề xuất lập sàn giao dịch vàng: Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung mà Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất và cũng phân tích đánh giá những mặt thiệt hơn trong câu chuyện này.

Theo ông Đào Minh Tú, trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Nghị định 24 đi vào cuốc sống thì lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

''Nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ. Chính vì thế có cơ chế theo Nghị định 24 vừa qua cho vàng'', ông Tú cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, câu chuyện thành lập sàn vàng hay tạo điều kiện thêm cho kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu đã nhiều lần được đặt ra chứ không phải mới lần này.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ ghi nhận ý kiến đó và sẽ tiếp tục có những nghiên cứu một cách thấu đáo nhưng trước hết phải mang lại lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân và sau đó mới tính đến lợi ích của đối tượng, thành phần tham gia kinh doanh vàng'', ông Tú nói thêm.

Theo Phó Thống đốc, việc thành lập sàn vàng cũng như Sở giao dịch vàng cũng đã có đề xuất trước đây, có hoạt động rồi và nhìn thấy rủi ro cũng như tính phức tạp của nó bởi đó là việc kinh doanh rất tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ rồi vấn đề “vàng hóa” trong nền kinh tế…

"Những vấn đề này khi xây dựng Nghị định 24 cũng đã được phân tích, mổ xẻ, đánh giá một cách rất chi tiết", ông Đào Minh Tú lý giải.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đã chia sẻ về tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung của ngành ngân hàng.

Theo ông Tú, để khắc phục hậu quả lũ lụt tại miền Trung, Ngân hàng Nhà nước đã có ngay văn bản chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả tổ chức tín dụng nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cổ phần ngoài nhà nước, rà soát lại tất cả các khoản cho vay của những người bị thiệt hại bởi lũ lụt, hoãn giãn, tạo điều kiện hạ lãi suất cũng như chưa thu nợ, thu phí, thu lãi đối với đối tượng, doanh nghiệp bị thiệt hại. Ngay cả gia đình chính sách, gia đình thuộc hộ nghèo, thuộc đối tượng vay ưu đãi cũng được xem xét trong việc hoãn giãn các khoản nợ đến hạn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, đặc biệt cho vay tiêu dùng, để khôi phục sản xuất, khắc phục khó khan, chẳng hạn như xây dựng lại, lợp lại nhà, xây lại những phần đã bị hư hỏng, thiệt hại hay mua các vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cho đến nay dư nợ bị thiệt hại theo thống kê là khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng trong khu vực các tỉnh miền Trung chịu lũ lụt vừa qua; ngành ngân hàng đã hỗ cho vay, giảm lãi hơn 17.000 khách hàng, dư nợ trên 10 nghìn tỷ đồng; cho vay mới để khắc phục khó khăn là 7.000 khách hàng với số tiền cho vay mới trên 4 nghìn tỷ đồng.

"Ngày thứ Sáu tới (4/12), chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn thiệt hại, triển khai những giải pháp của ngành trong việc cho vay hỗ trợ tín dụng cũng như là tín dụng tiêu dùng, sinh hoạt cho bà con vùng lũ lụt", ông Tú cho biết.

Hậu Lộc
Phiên bản di động