Để dược liệu hữu cơ “nở hoa” trên đất rừng trồng keo

Trong những năm gần đây, phát triển cây dược liệu được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của ngành trồng trọt. Dự án Khu bảo tồn, phát triển và chế biến cây dược liệu của Công ty TNHH Nông thủy sản Thuần Việt tại khu Đồi Giếng xã Sơn Đông, TX. Sơn Tây, Hà Nội hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương này.
Kon Tum: Thanh niên 'chân đất' thu tiền tỷ từ cây sâm dây

Hiệu quả kinh tế cao từ “dược liệu sạch”

Quay trở lại sử dụng các loại kháng sinh tự nhiên đang là xu thế tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, nghịch lý của ngành đông y Việt Nam hiện nay là dược liệu đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, khó kiểm soát được chất lượng cũng như độ an toàn trong khi dược liệu trồng và thu hái trong nước số lượng lại không đáp ứng yêu cầu.

Thực tế, ngành dược liệu của Hà Nội thời gian qua phát triển tự phát, nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới bỏ ngỏ tiềm năng lớn của khu vực rừng núi các huyện, trong đó có Sơn Tây. Nguyên nhân chính là thiếu vai trò dẫn dắt, đầu tàu của doanh nghiệp.

Ở khu vực Đồi Giếng xã Sơn Đông, TX. Sơn Tây, Hà Nội được đánh giá là có nhiều tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, trong khi giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng dược liệu cao hơn gấp nhiều lần trồng các loại cây lấy gỗ như keo, bạch đàn.

Nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược diệu hàng hóa; cùng với niềm trăn trở, mong muốn tìm hướng đi mới bền vững cho việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái địa phương, ông Vũ Khắc Hoạt và ông Nguyễn Duy Ánh - hai vị lãnh đạo chủ chốt của Công ty TNHH Nông thủy sản Thuần Việt đã quyết định lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Trồng cây sinh thái, cây ăn quả kết hợp cây dược liệu, cây thuốc tại khu Đồi Giếng xã Sơn Đông, TX. Sơn Tây, Hà Nội.

Ông Vũ Khắc Hoạt - Giám đốc Công ty TNHH Nông thủy sản Thuần Việt tâm sự rằng, từ bao đời nay, người dân cần mẫn trồng keo, bạch đàn phủ xanh đất trống, đồi trọc. Trước đây trồng keo trung bình từ 8 - 10 năm mới cho khai thác nhưng hiện nay người dân có ý thức hơn trong việc trồng, chăm bón nên thời gian thu hoạch chỉ khoảng 5 - 6 năm. Với khoảng 1ha đất trồng keo, sau 7 năm trồng thu về 60 triệu đồng. Số tiền ấy nghe thì có vẻ nhiều nhưng chia ra trong từng ấy năm, thì mỗi năm chưa thu nổi 10 triệu đồng, cho thấy hiệu quả kinh tế từ trồng keo, bạch đàn là rất thấp.

“Cũng chính bởi thu nhập từ trồng keo, bạch đàn thấp nên cái nghèo cứ mãi đeo bám, các hộ nông dân cũng ít quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; trong khi thảm thực bì lại dày, vào mùa khô rất dễ bén lửa gây ra các vụ cháy rừng làm thiệt hại lớn về kinh tế”, ông Hoạt nói.

Hào hứng khi nói đến dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng luôn ấp ủ, ông Hoạt kể, năm 2017, ở khu đất ông đang sử dụng, trên đất có nhiều cây bụi, lớp thực bì dày nên đã xảy ra cháy một phần diện tích cây. Điều này, làm ông rất trăn trở làm thế nào để vừa phát triển kinh tế mà bảo vệ môi trường sinh thái cho khu đất.

de duoc lieu huu co no hoa tren dat rung trong keo
Cây dược liệu trong khu đất thử nghiệm của ông Hoạt

Đang loay hoay tìm hướng đi mới thì ông được biết thành phố Hà Nội có chủ trương chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái; khuyến khích động viên các hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1ha đất nông nghiệp. Đây là hướng đi nhằm mang lại sức sống mới cho rừng và cải thiện thu nhập cho người dân. Điều quan trọng hơn là khi hiệu quả kinh tế tăng, bà con nông dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng bền vững.

Qua thực tế sản xuất cũng đã cho thấy, nhiều mô hình chuyển đổi từ rừng trồng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái, trồng cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao mang lại kết quả rất khả quan. Vì vậy để phát triển kinh tế hộ gia đình và đảm bảo môi trường sinh thái khu đất, ông mạnh dạn lập dự án chuyển đổi cấu cây trồng: Trồng cây sinh thái, cây ăn quả kết hợp cây dược liệu, cây thuốc tại khu đồi Giếng, xã Sơn Đông với mong muốn các cấp chính quyền xã Sơn Đông và thị xã Sơn Tây phê duyệt triển khai thực hiện.

Dẫn chúng tôi đến khu đồi Giếng, trước mắt chúng tôi là hàng trăm loại cây dược liệu, câu thuốc, cây ăn quả mà như ông nói là “3 tầng cây”. Giới thiệu cặn kẽ về từng loại cây thuốc bằng tất cả tâm huyết và trăn trở, ông Hoạt bộc bạch: “Điều mà tôi mong mỏi nhất là mang lại nguồn dược liệu sạch cho bà con, từ đó phát triển nông nghiệp hữu cơ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân được nâng lên”.

Cần nhân rộng mô hình

Theo ông Vũ Khắc Hoạt, dự án thuộc loại hình chuyển đổi trồng trọt từ đất lâm nghiệp trồng keo bạch đàn sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thời gian chuyển đổi trong vòng 30 năm. Khi dự án được triển khai sẽ góp phần cải tạo diện tích 60.878m2 khu Đồi Giếng xã Sơn Đông hiện đang trồng keo, bạch đàn thành khu vườn trồng cây sinh thái, cây ăn quả kết hợp trồng cây dược liệu, cây thuốc có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình tiên tiến hiệu quả trên địa bàn xã Sơn Đông cũng như trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

de duoc lieu huu co no hoa tren dat rung trong keo
Ông Hoạt đang mong dự án chuyển đổi cây trồng được các cấp có thẩm quyền duyệt

Không chỉ là nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm và làm giàu kinh tế gia đình; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động trong gia đình và một số lao động địa phương; dự án hứa hẹn sẽ góp phần cải tạo môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

“Với diện tích trồng cây 59.233m2, tôi dự kiến giữ nguyên 1ha đang trồng keo ở phía đỉnh của khu đất, diện tích đất còn lại trồng cây ăn quả kết hợp cây thuốc nhằm bảo tồn, khai thác khoảng 500 loại cây thuốc thuộc các nhóm như: Thuốc trợ dương, thuốc bổ máu, bổ âm, giải cảm, cảm nhiệt - cảm hàn,… Và để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất của dự án, tôi dự kiến thực hiện các hạng mục công trình như: Lắp dựng 01 nhà bảo vệ, diện tích 15 m2, 01 nhà kho, diện tích 50m2, 01 nhà điều hành 100 m2, 01 nhà sơ chế cây thuốc 90 m2, 01 nhà bào chế cây thuốc 90 m2… và nhiều công trình phụ trợ khác”, ông Hoạt thông tin.

Được biết, hiện dự án đã và đang tạo công ăn việc làm và thu nhập từ 5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/ tháng cho hàng chục lao động thường xuyên; hàng trăm công nhân lao động thời vụ góp phần tăng tỷ lệ lao động nông thôn có nghề, ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.

Khi được hỏi về định hướng triển khai và mở rộng dự án, ông Hoạt chia sẻ thêm, ông đã tham khảo và lên kế hoạch thực hiện các hạng mục xây dựng cũng như sản xuất của dự án. Vì vậy, sau khi dự án được UBND thị xã phê duyệt sẽ thực hiện ngay các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ khoảng 3 tháng là xong. Các hạng mục dự án sẽ được làm song song hoặc gối nhau, không chờ hoàn thiện hạng mục này mới triển khai làm hạng mục khác để rút ngắn thời gian hoàn thành toàn bộ các thành phần dự án sớm nhất để đi vào hoạt động sản xuất.

“Ngay sau khi dự án được phê duyệt, chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng nội dung và tiến độ dự án về sản xuất, xây dựng cơ bản; sử dụng đất đúng mục đích, không làm ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của những chủ sử dụng đất xung quanh. Đảm bảo vệ sinh môi trường để dự án thực sự là mô hình xanh, sạch đẹp và cho hiệu quả kinh tế cao. Giữ gìn an ninh trong khu vực, chịu sự giám sát và hướng dẫn của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên ngành trong quá trình thực hiện dự án…”, Giám đốc Công ty TNHH Nông thủy sản Thuần Việt cam kết.

Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông thành công sẽ góp phần quan trọng khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, nâng cao đời sống nông hộ, nhiều bà con đã có thêm cơ hội việc làm, thực sự thoát nghèo và vươn lên khấm khá...Đồng thời, làm xanh sạch đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng quê hương xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp văn minh.

Hi vọng rằng, Uỷ ban nhân dân xã Sơn Đông, các phòng ban chức năng và Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn Tây xem xét, thẩm định, phê duyệt cho phép và hỗ trợ để dự án được triển khai có hiệu quả.

PV
Phiên bản di động