Đằng sau cơn sốt nồi cơm điện bé bằng bàn tay ở Nhật Bản
Nóng buôn lậu dịp cận Tết: Chặn lô nồi cơm điện xuất xứ Trung Quốc Bác sĩ Việt tại Mỹ hé lộ sự thật về nồi cơm tách đường Nồi cơm điện Sunhouse hàng Việt Nam ghi xuất xứ Trung Quốc là do... nhầm lẫn? |
Zing trích dịch bài viết trên VICE World News nói về những chiếc nồi cơm điện dành cho một người, cũng như xu hướng sống độc thân ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Sản phẩm là ví dụ cho việc đi theo phong trào “tận hưởng thời gian một mình” đang phổ biến ở quốc gia mặt trời mọc. Khách hàng mục tiêu là những người ở riêng, sống đơn thân xa gia đình.
“Đây là vật dụng rất phù hợp với nhu cầu của những người chỉ sống một mình ở Tokyo như tôi”, Yoshi Ikeda, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Những nồi cơm điện tí hon đang trở thành cơn sốt ở Nhật Bản. Ảnh: AFP. |
Ngày càng nhiều người Nhật Bản sống một mình
Nhu cầu đối với những đồ dùng nhà bếp cho một người đã tăng vọt trong thời gian giãn cách xã hội. Tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực khiến việc ăn ngoài cùng bạn bè, người thân trở nên bất khả thi.
Theo số liệu điều tra mới nhất, tính trong năm 2015, gần 35% dân số Nhật Bản sống một mình. Ở Mỹ và Anh, con số này thấp hơn, lần lượt là 28%, 30%.
Xứ Phù Tang từ lâu đã được biết đến là một trong những quốc gia có người dân "cô độc" nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình tăng và tỉ lệ kết hôn giảm được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Hơn 1/3 dân số Nhật Bản đang sống một mình. Ảnh: Shutterstock. |
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sự thịnh vượng của một quốc gia và tỷ lệ dân sống đơn thân. Ở Mỹ và Bắc Âu, số người trưởng thành sống một mình đã tăng gấp nhiều lần trong những thập kỷ qua.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản còn lo ngại rằng đại dịch sẽ làm tăng tỉ lệ tự tử. Hơn 44 triệu người sống đơn thân sẽ cảm thấy bị cô lập hơn khi thiếu giao tiếp xã hội thường ngày.
Đối tượng khách hàng được ưu tiên
Số người sống đơn thân ngày càng tăng đã tác động đến thị trường hàng hóa, dịch vụ của Nhật Bản. Bằng chứng là các sự lựa chọn tiêu dùng của họ đã trở nên đa dạng hơn.
Ngày 14/12/2020, nhà sản xuất đồ gia dụng Thanko đã cho ra mắt hộp cơm bento tích hợp nồi cơm điện 2 tầng. Sản phẩm đã lập tức tạo nên cơn sốt trong cộng đồng người tiêu dùng đang sống một mình.
Được thiết kế để nấu một khẩu phần duy nhất, nhà sản xuất mang đến thông điệp "biến nỗi lo thừa cơm trở thành dĩ vãng". Tính đến giữa tháng 1, hơn 50.000 nồi cơm điện đa năng này đã được bán ra khắp Nhật Bản.
Sản phẩm tích hợp này đã nắm bắt được nhu cầu mới của người dùng Nhật Bản. Ảnh: Thanko. |
Lisa Kobayashi, 30 tuổi, đã mua một hộp cho người chú độc thân của cô. "Tôi muốn chú ấy bỏ thói quen mua cơm đông lạnh từ cửa hàng tiện lợi và chuyển sang tự nấu cơm ở nhà, như thế sẽ tốt hơn”, cô nói.
Các dụng cụ nấu ăn khác đi theo xu hướng này có thể kể đến như: vỉ nướng thịt, nồi lẩu, máy làm takoyaki. Thậm chí, các nhà sản xuất nội thất còn cho ra mắt kotatsu cỡ đơn (một loại bàn thấp phủ chăn của Nhật) phù hợp cho các căn hộ một người ở.
Trong mảng dịch vụ ăn uống, các nhà hàng ở Nhật Bản đã nắm bắt được xu hướng này từ lâu. Kiểu hàng quán với không gian dành cho một người hay ohitorisama vốn đã rất phổ biến trên khắp đất nước.
Một ví dụ khác là cuối năm ngoái, Pizza Hut đã thêm vào thực đơn của mình combo một người ăn có tên “My Box”. Phần ăn có giá 700 yen (6,7 USD) bao gồm một pizza mini, khoai tây chiên và gà viên.
Combo dành cho một người mới nhất của Pizza Hut Nhật Bản. Ảnh: Pizza Hut Japan Ltd. |
Trong thời gian ra mắt thử nghiệm vào tháng 11/2020, combo này đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Doanh số bán hàng cao gấp 3 lần so với bất kỳ chương trình khuyến mãi nào của Pizza Hut trước đây.
Hơn một năm từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt ở xứ Phù Tang. Những bữa ăn cùng người thân, bạn bè dường như khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Ngày 13/1, chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định cấm tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh. Các nhà chức trách ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11/47 tỉnh thành, bao gồm cả Tokyo.