Đại biểu Quốc hội: Quy định trong Luật Đấu thầu không thể là vòng kim cô để quản lý

Tại nghị trường Quốc hội khi bàn thảo về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội vẫn còn các ý kiến khác nhau về quy định đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu Sai phạm chứng khoán, trái phiếu làm ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ Chính phủ: Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước cán bộ, công chức có sai phạm

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung được thảo luận, tranh luận nhiều là quy định đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), về đối tượng áp dụng tại điều 2 tại Khoản 2, đại biểu lựa chọn phương án 2, trong đó điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo luật của doanh nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước trên 50 % vốn điều lệ.

Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp Nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn Nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được.

Đại biểu Quốc hội: Quy định trong Luật Đấu thầu không thể là vòng kim cô để quản lý
Quang cảnh phiên họp sáng 24/5.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.

Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.

Đồng thời, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp Nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội: Quy định trong Luật Đấu thầu không thể là vòng kim cô để quản lý
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang).

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước tại khoản 2 Điều 2, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) nhận thấy, đây là nội dung có thay đổi so với luật hiện hành cũng như dự thảo luật đã trình tại kỳ họp thứ 4, đây cũng là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Hà cho rằng, cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 50% vốn điều lệ...

Ngoài các lý do đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho biết, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do vậy, theo đại biểu Hà, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và nguồn vốn đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.

Cũng theo đại biểu Hà, theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện nay và trong dự thảo Luật cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch. Quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện, thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm nên việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hay khả năng chớp thời cơ của doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà nước, doanh nghiệp sẽ rất lớn thông qua hoạt động quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Cũng liên quan đến việc này, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) có ý kiến tán thành quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 50 % vốn điều lệ sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp và nguồn vốn được doanh nghiệp Nhà nước đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối.

Đại biểu Quốc hội: Quy định trong Luật Đấu thầu không thể là vòng kim cô để quản lý
Đai biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam).

Phát biểu tranh luận tại phiên họp về đối tượng áp dụng trong dự thảo luật, đai biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt.

Theo đại biểu Hạ, cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần quy định theo phương án 1 như Chính phủ đã trình, theo đó, cần bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.

Tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) tranh luận với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu và đại biểu Tạ Văn Hạ về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu.

Đại biểu cho rằng, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp trên không cho thực hiện những điều tốt đẹp như vậy.

Theo đại biểu Lê hoàng Anh, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.

Cũng tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người.

Theo đại biểu Nghĩa, khi doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5 - 10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi.

Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp Nhà nước, còn doanh nghiệp có 50% vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động