Đại biểu Quốc hội lo “căn bệnh sợ trách nhiệm” lây lan từ ngành y sang các ngành khác

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại về “căn bệnh sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang các ngành khác.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội Chính phủ trình Quốc hội 27 chính sách mới, đột phá cho TP HCM Cần giải quyết căn cơ tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm

Băn khoăn về chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho rằng, qua kết quả giám sát, Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện khi dịch bệnh xảy ra như công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, để từ đó có những chỉ đạo, chính sách đúng đắn để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, vừa đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Qua báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng cần quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân để tạo sức hút giữ chân đội ngũ bác sỹ trẻ có trình bộ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến nguy cơ người dân tại vùng sâu, vùng xa khó có khả năng tiếp cận với y tế.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề xuất Chính phủ cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để người học thuộc các vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y để có thể trở về hỗ trợ y tế tại cơ sở.

Quan tâm đến việc đảm bảo tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, trong thời gian qua vấn đề này đã được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, bước đầu đã được triển khai tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội khóa XV.

Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhân viên y tế nói chung lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; từ ngày 1/1/2023 điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã làm được và chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, tránh việc nhận định chung chung như tại Điều 1 của dự thảo nghị quyết giám sát.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết nêu khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đại biểu cho rằng, không chỉ riêng vụ án trên, mà còn khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trong thời gian qua.

Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề xuất một số nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở, phục vụ nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương.

Đối với Chính phủ, đại biểu đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, dân số, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông, để viên chức yên tâm công tác; thay đổi, tăng mức phụ cấp trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay…

Đại biểu Quốc hội lo “căn bệnh sợ trách nhiệm” lây lan từ ngành y sang các ngành khác
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội).

Về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phục cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Theo đại biểu Hà, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập, hiện nay đã hết hiệu lực, đại biểu cho rằng, rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhận thấy, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách Nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, đảm bảo tính căn cơ và lâu dài.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp…

"Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự vòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông…", ông Thanh chia sẻ.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.

“Căn bệnh sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang các ngành khác

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, đại dịch COVID-19 đi qua bên cạnh những thắng lợi, còn để lại cho chúng ta nhiều điều để bàn, để suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi. Ngay từ đầu chúng ta xác định chống dịch như chống giặc tinh thần, khẩn trương huy động mọi nguồn lực bằng mọi biện pháp chấp nhận hy sinh để chiến thắng.

Đại biểu Quốc hội lo “căn bệnh sợ trách nhiệm” lây lan từ ngành y sang các ngành khác
Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu băn khoăn về những việc không hợp lý, không hợp pháp đang được xử lý như thế nào. Bên cạnh đó, sau khi chống dịch thành công, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy có quá nhiều điều hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp lý, không hợp pháp trong thời điểm hiện nay, việc ứng xử vấn đề này như thế nào?

Ngoài ra, đại biểu còn lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét làm cho cái hợp pháp thực sự là hợp tình và hợp lý.

Cũng thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, báo cáo giám sát của Quốc hội và báo cáo của các cơ quan liên quan đã cung cấp thông tin khá đầy đủ về kết quả đã đạt được, thực trạng còn tồn đọng trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đại biểu Phúc, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng triển khai công tác phòng, chống dịch cùng với việc phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...

Trong quá trình triển khai thực hiện có những việc tốt được nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng cũng có những vướng mắc, từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung liên quan đến nay vẫn chưa được giải quyết nên dự thảo nghị quyết giám sát với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có quy định thời gian là hoàn toàn phù hợp.

Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị cần có quan tâm đến nguyên nhân, hạn chế nào là chủ quan, nguyên nhân hạn chế nào do thể chế, do quy định để bổ sung giải pháp phù hợp hơn nhằm khắc phục, giải quyết tồn đọng, hiệu quả hơn.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, qua đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội đã dần trở lại hoạt động bình thường nhưng với tâm lý bị tác động, với những tổn thương về tinh thần cần phải có thời gian để giải quyết. Cùng với những giải pháp xử lý dứt điểm các sai phạm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đại biểu cho rằng, tại khoản 12 Điều 2 dự thảo nghị quyết cần bổ sung những giải pháp chia sẻ đối với khó khăn của Chính phủ và ngành y tế để chia sẻ với những khó khăn, hạn chế nhằm tiếp thêm động lực đối với ngành y tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động