Công ty của ông chủ Hãng hàng không Cánh Diều nợ thuế hàng chục tỷ đồng

Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên (chủ của Công ty Hàng không Thiên Minh, đơn vị đề xuất lập Hãng hàng không Cánh Diều) nợ thuế ở Hà Nội gần 30 tỷ đồng.
Bộ GTVT ủng hộ chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều

Theo danh sách các đơn vị nợ thuế, phí được Cục Thuế Hà Nội công bố mới đây, Công ty CP du lịch Thiên Minh (địa chỉ tầng 12, số 70 - 72, Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nợ thuế 29,6 tỷ đồng, tính đến ngày 31/8/2019.

Được biết, Công ty CP du lịch Thiên Minh là nhà cung cấp dịch vụ du lịch và khách sạn thuộc hàng lớn nhất cả nước hiện nay do doanh nhân Trần Trọng Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

cong ty cua ong chu hang hang khong canh dieu no thue hang chuc ty dong
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Công ty Thiên Minh. Ảnh: Cafef.

Trước đó, vào tháng 6/2019, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group đứng ra thành lập Công ty CP Hàng không Thiên Minh với 3 cổ đông chính, vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng, tương đương 60% vốn; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ, chiếm 30%; và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỷ đồng, tương đương 10%.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, ông Trần Trọng Kiên vừa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Hàng không Thiên Minh.

Vào tháng 8/2019, Công ty CP Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề xuất thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với tổng vốn đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, có 4.500 tỷ đồng vốn cố định (bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng). Trong số 4.500 tỷ đồng này, dự kiến 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài. Thời gian hoạt động 50 năm

Về quy mô dự án, Công ty CP Hàng không Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72 trong năm đầu tiên hoạt động. Số tàu bay này sẽ tăng gấp đôi trong năm thứ hai. Năm thứ 3, Công ty Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321. Các năm thứ 4 và thứ 5, Thiên Minh sẽ đưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác trong mỗi năm. Đến năm 2024, hãng này dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng 30 máy bay. Trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A32.

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, Bộ ủng hộ chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều trong điều kiện dư địa cho khai thác tại các cảng hàng không nhỏ vẫn còn nhiều, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không còn lớn.

“Hồ sơ của dự án đủ điều kiện để Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định đồng thời nhấn mạnh, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không.

“Cục Hàng không Việt Nam sẽ quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 của Công ty CP hàng không Thiên Minh, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo rõ.

Văn Huy
Phiên bản di động