Công nhân muốn có chính sách việc làm bền vững, tiền lương đủ sống

Gửi kiến nghị đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đoàn viên, người lao động bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động...
Cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 Quốc hội nhất trí cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Sáng 2/12, phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.

Nhiều kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước đã được gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông qua đại hội công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

Công nhân muốn có chính sách việc làm bền vững, tiền lương đủ sống
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Cụ thể, về việc xây dựng chính sách, pháp luật, người lao động kiến nghị các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động.

Đồng thời, người lao động cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.

Trong đó cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân.

Công nhân muốn có chính sách việc làm bền vững, tiền lương đủ sống
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra sáng 2/12.

Bên cạnh đó, người lao động cũng kiến nghị đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội; hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.

Đặc biệt, công nhân, người lao đông kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động; có chính sách huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng với đó, người lao động cũng kiến nghị quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.

Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, người lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Từ đó, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Hậu Lộc
Phiên bản di động