Công nhận "Chợ tình Khâu Vai" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

"Chợ tình Khâu Vai" (Mèo Vạc, Hà Giang) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khai mạc Lễ hội kỷ niệm 100 năm chợ tình Khâu Vai

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai (chợ tình Khâu Vai) có lịch sử hơn 100 năm và là phiên chợ được tổ chức duy nhất một ngày trong năm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, những chị em dân tộc nơi đây lấy ra bộ trang phục đẹp nhất, đàn ông sẽ diện cho mình một bộ đồ tươm tất nhất để cùng đến điểm hẹn chợ tình Khâu Vai. Đây được xem như một trong những phiên chợ đặc sắc nhất miền sơn cước Hà Giang.

Công nhận
Ảnh: IT

Đến chợ tình Khâu Vai, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Một trong số đó như: đi vào hẻm núi tay cầm đuốc, nhâm nhi chén rượu nóng cho ấm người tại thung lũng về đêm… Tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc những đôi tình nhân vượt qua núi để tìm thấy nhau. Mỗi đôi tình nhân là một góc núi riêng, ai tới trước thì đợi người còn lại.

Ngày nay, để quảng bá du lịch, chợ tình Khâu Vai thường kéo dài 3 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 với các hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.

Công nhận
Ảnh: IT

Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Nơi đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung; quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo Quyết định của Bộ VHTT&DL, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nguồn gốc chợ tình Khâu Vai

Chuyện kể rằng, ngày xưa tại vùng Khâu Vai có chàng dân tộc người Nùng. Xuất thân là từ một gia đình nghèo làm ruộng và là con thứ 3 nên gọi là chàng Ba. Chàng Ba đẹp trai, thổi sáo, múa khèn hay, thương người và rất chăm làm nên được nhiều cô gái trong làng thầm thương trộm nhớ. Ở nhà ông tộc trường người Giáy có cô con gái út tuổi mới trăng rằm, xinh đẹp và hát rất hay. Tuy xuất thân nhà giàu nhưng cô lại thích đi chăn trâu, cắt cỏ và làm ruộng với chúng bạn.

Đã có rất nhiều chàng trai ngỏ lời tình nhưng nàng đều từ chối vì nàng và chàng Ba đã yêu nhau khi gặp mặt lần đầu. Biết tin 2 người yêu nhau, bố mẹ cô gái kịch liệt phản đối do gia đình không môn đăng hộ đối. Đặc biệt là tục lệ làng không cho lấy người khác dân tộc. Họ đã cùng nhau đi trốn lên hang núi Khâu Vai. Tưởng như chuyện kết thúc êm đẹp nhưng không, 2 bên gia đình đã xảy ra xô xát. Cặp trai gái đứng từ Khâu Vai nhìn xuống thấy vậy, không đành lòng vì hạnh phúc của mình lại gây họa cho người khác. Họ đã nắm tay nhau và hẹn ước, lấy Khâu Vai là nơi hẹn hò mỗi năm cho đến khi chết.

Hiện nay, các dân tộc miền núi cao Mèo Vạc đã xây dựng 2 ngôi miếu thờ. Đó chính là miếu ông và miếu bà để tưởng nhớ đến tình yêu đẹp của họ. Ngoài ra còn là nơi mọi người đến để cầu nguyện.

D.Minh
Phiên bản di động