Coca Cola Việt Nam phản hồi về dòng chữ "không được xuất khẩu"
Như đã thông tin, nước giải khát của Công ty TNHH NGK Coca - Cola (Coca Cola Việt Nam) có thực sự an toàn đối với người tiêu dùng hay không khi trên một số sản phẩm xuất hiện dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu". Ngay sau đó, đại diện Coca Cola Việt Nam đã có thông tin phản hồi tới Tuổi trẻ và Pháp luật để người tiêu dùng hiểu rõ.
Dòng chữ chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu |
Coca Cola Việt Nam khẳng định, cung cấp các sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của Coca- Cola. Tất cả các sản phẩm được sản xuất đều được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng của Bộ Y Tế cũng như các quy định có phần nghiêm ngặt hơn từ tập đoàn.
Dòng chữ của nhà sản xuất ghi trên nước uống Fanta |
Về dòng chữ in trên sản phẩm, doanh nghiệp này cho biết, sản phẩm Coca-Cola được sản xuất tại Việt Nam chỉ được dùng riêng cho thị trường Việt Nam hoàn toàn không thể hiện sự chênh lệch về chất lượng của các dòng sản phẩm Coca-Cola trên toàn cầu. Chúng tôi làm thế nhằm đảm bảo sự công bằng về hoạt động kinh doanh bán hàng cũng như phát triển thị trường của các đối tác đóng chai ở các quốc gia khác nhau.
Trước đó, nhiều khách hàng sử dụng một số sản phẩm nước giải khát nhãn hiệu Coca Cola, Fanta, Sprite, Schweppes Tonic do Coca Cola Việt Nam sản xuất lo lắng và hoang mang khi trên mỗi sản phẩm đều có dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu” mà không hiểu vì lý do gì.
Nhiều người sử dụng không hiểu vì sao có dòng chữ như vậy |
Trao đổi với PV, chị Mai Vân ở quận Ba Đình, TP Hà Nội lo lắng cho biết: Gia đình rất hay sử dụng đồ uống của hãng Coca Cola. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên các sản phẩm của hãng này lại xuất hiện dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu" khiến tôi hoài nghi, lo lắng về chất lượng sản phẩm.
Anh Duy Tân sống ở Hà Đông, là “tín đồ” nghiện đồ uống có ga của hãng Coca Cola cũng tỏ ra rất lo lắng, e dè khi biết dòng chữ ghi trên sản phẩm như vậy bởi cảm thấy không yên tâm về chất lượng.
Các mẫu mã của doanh nghiệp này hiện nay rất đa dạng |
Nhiều ý kiến của người tiêu dùng bày tỏ lo lắng về chất lượng sản phẩm nước uống của hãng Coca Cola được sản xuất tại Việt Nam liệu có thực sự an toàn nếu thường xuyên sử dụng. Rất có thể do không đủ điều kiện hoặc có thành phần nào đó bị cấm dùng trong thực phẩm với người nước ngoài nên mới không được xuất khẩu sang các nước khác, chỉ dành cho thị trường Việt Nam.
Những lo lắng, nghi vấn của người dân về chất lượng sản phẩm không phải là không có cơ sở. Ví dụ, một lon Coca Cola với thể tích 500ml nhập khẩu từ Nhật Bản được bán tại Việt Nam với giá 49.000 đồng. Trong khi đó, một lon Coca Cola được sản xuất trong nước với thể tích 330ml nhưng bán với giá chỉ có 9.000 đồng và thành phần nguyên liệu in trên bao bì giữa 2 lon Coca Cola sản xuất ở Nhật Bản và Việt Nam cũng có sự khác nhau.
Lon nước xuất xứ tại Nhật Bản chỉ nhiều hơn 170ml so với lon nước sản xuất tại Việt Nam nhưng có giá bán chênh lệch 5 lần |
Trong khi đó, các sản phẩm tương tự trong cùng phân khúc đồ uống hiện nay như nhãn hiệu Pepsi đang bày bán trên thị trường tại Việt Nam hoàn toàn không có dòng chữ như sản phẩm của CocaCola.
Trước đó, Trung tâm Y tế Cộng đồng TP Osaka (Nhật Bản) đã yêu cầu 1 công ty tại Nhật Bản phải thu hồi toàn bộ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-Su có xuất xứ Việt Nam do có chứa phụ gia thực phẩm chứa axit benzoic chưa được cho phép sử dụng đối với sản phẩm tương ớt tại Nhật Bản.
Tương ớt của một doanh nghiệp Việt Nam bị phía Nhật Bản yêu cầu thu hồi vì không đảm bảo theo quy định |
Phản hồi về thông tin này, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết, hiện công ty không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, "nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng các cơ quản lý cần xem xét và kiểm tra về chất lượng các sản phẩm của đơn vị này có thực sự đảm bảo an toàn cho người thường xuyên sử dụng hay không.
"Vụ tương ớt do Masan sản xuất là một ví dụ điển hình, tôi cho rằng Bộ Y tế cần vào cuộc kiểm tra về chất lượng sản phẩm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng" - Luật sư Diện đề xuất.