Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu: Vì sao Việt Nam không cấm?

Thông tin nhà chức trách Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt chinsu đang gây lo lắng cho người tiêu dùng Việt Nam bởi người dân đã sử dụng sản phẩm này từ rất nhiều năm nay...
Bộ Y tế đang làm rõ vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt từ Việt Nam

Liên quan đến lô sản phẩm tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi trong những ngày gần đây, ngày 8/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt.

Theo Bộ Y tế Việt Nam quy định tại Thông tư số 27/2012/BYT ngày 30/11/2012 về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm được phép sử dụng axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) với hàm lượng tối đa 1000mg/kg sản phẩm tương ớt.

Tuy nhiên, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau; tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex.

nhat ban thu hoi hon 18000 chai tuong ot chinsu vi sao viet nam khong cam
Tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Nhật Bản không cho dùng axit benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng axit benzoic trong các sản phẩm khác ví dụ nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn... và theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yếu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Như thông tin đã đưa, Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka (Nhật Bản) - www.city.osaka.lg.jp cho biết, Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka đã yêu cầu thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm.

Cụ thể, số tương ớt này thuộc 3 lô hàng với 757 thùng, được công ty Javis Co., Ltd (Osaka) nhập từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018, sau đó bán lại cho công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe) và có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa axit benzoic, vốn không được phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản, khi bán cho ISC.

Trước đó, do nghi ngờ số tương ớt được phân phối bởi ISC Industrial vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra về lô hàng. Phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) kết luận, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019. Trong khi đó, điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt.

Lên tiếng trước thông tin này, đại diện Masan khẳng định hiện chưa phân phối chính thức tại thị trường này. Doanh nghiệp này hiện xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chinsu sang các thị trường Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan).

Nói thêm về lô hàng bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi, đại diện Masan cho biết chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động