Cơ quan báo chí tăng thời lượng, thông tin chính xác về kỳ họp thứ 8
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc Kỳ họp thứ 8 sẽ làm việc trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật |
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã yêu cầu như vậy tại Hội nghị giao ban báo chí tuần 3, tháng 10/2024 do Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 15/10.
Ông Phan Xuân Thủy lưu ý khi tuyên truyền về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các cơ quan báo chí cần tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của các cơ quan chức năng; tránh khai thác sâu vào những vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau đang được bàn thảo.
Ngoài ra, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cũng định hướng tuyên truyền đối với các hoạt động lớn khác của đất nước, đề nghị các cơ quan báo, tạp chí tuyên truyền cần lưu ý trong thực nhiệm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc ngày 30/11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp thứ 8 được tiến hành thành hai đợt, dự kiến tổng thời gian làm việc là 28,5 ngày.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy. |
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong đó, đối với công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 2 nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 13 dự án luật khác – đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội cũng xem xét 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và giám sát các vấn đề quan trọng khác…
Về yêu cầu đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan báo chí, bám sát việc triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động thông tin về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh kỳ họp. |
Văn phòng Quốc hội cũng ban hành đề cương tuyên truyền về những nội dung Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp; đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, có nhiều bài viết phân tích sâu sắc, đánh giá về tác động của các dự án luật, nghị quyết đến đời sống xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng đề nghị các cơ quan báo chí phản ánh tâm tư, nguyện vọng; kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi đến Quốc hội; tổ chức phỏng vấn các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cử tri về những nội dung được xem xét tại kỳ họp.
Các cơ quan báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về kỳ họp, tập trung đưa tin đậm nét về phát biểu Khai mạc, bế mạc, kết quả của Kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; chú ý truyền tải đầy đủ, chính xác các ý kiến chất lượng của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp và các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cũng định hướng một số vấn đề cụ thể trong công tác thông tin, tuyên truyền đối với các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua; công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp.
“Khi thông tin, tuyên truyền về công tác lập pháp, đối với những ý kiến cá biệt, ý kiến được ít đại biểu quan tâm, các cơ quan báo chí cần cân nhắc, đảm bảo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội được phản ánh; ý kiến thiểu số cần nghiên cứu kỹ để tuyên truyền đảm bảo khách quan”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn lưu ý.