Chuyện lạ lùng về giếng nước linh thiêng chữa "mất sữa" ở Sơn Tây

Sự linh nghiệm của giếng “sữa” bắt nguồn từ một truyền thuyết từ lâu đời và đến nay, chuyện đó đã trở thành điều khó tin nhưng có thật tại Đường Lâm (Sơn Tây).
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa, du lịch tại Sơn Tây Nghệ sỹ Xuân Bắc và Tự Long sẽ vui Tết Trung thu cùng người dân thị xã Sơn Tây Dấu ấn 68 năm giải phóng thị xã Sơn Tây

Giếng linh thiêng dưới chân núi Cấm

Giếng “sữa” (thôn Cam Lâm, Đường Lâm, Hà Nội) nằm trong quần thể đền Mẫu, tọa lạc sâu hun hút trong một thung lũng nhỏ bên dưới chân đồi Cấm. Giếng “sữa” khá nhỏ, đường kính chừng 100cm, sâu không quá 150cm, miệng giếng được xây bằng đá ong. Giếng thuộc dạng thiên thành, tức là xuất hiện một cách tự nhiên, do mạch nước trào lên mặt đất.

Theo các cụ cao niên, trước kia, giếng chỉ là một ang nước nhỏ, nằm sát các thuở ruộng. Nước trào từ dưới lòng đất lên, không bao giờ cạn, luôn trong vắt. Khoảng năm 70 của thế kỷ trước, sau một trận lũ, ruộng đồng xung quanh bị cuốn trôi hết. Cả khu vực thung lũng tan hoang, chỉ còn mạch nước vẫn chảy đều đặn và trong vắt. Để bảo vệ cho mạch nước, mà bây giờ gọi là giếng “sữa”, người dân Đường Lâm đã kiến thiết nên miệng giếng và dựng một miếu nhỏ bên cạnh để thờ cúng như hiện nay.

Chuyện lạ lùng về giếng nước linh thiêng chữa
Giếng "sữa" chứa đựng nhiều câu chuyện ly kỳ

Truyền thuyết về giếng “sữa” không nhất quán, có nhiều dị bản. Tuy nhiên, hầu hết các vị cao niên ở Đường Lâm đều thống nhất rằng, khả năng chữa bệnh mất sữa của chiếc giếng đặc biệt này xuất phát từ thời Ngô Quyền (vị trí của giếng “sữa” chỉ cách lăng Ngô Quyền chừng trên 100m).

Chuyện rằng, hồi đó loạn lạc, dân chúng đói khát, khổ sở, có nhà bỏ con để chạy loạn. Một bà lão hành khất chống gậy lang thang qua đất mảnh đất này thấy đứa bé còn đỏ hỏn bị bỏ ngang đường. Thương tình, bà bế đứa nhỏ theo. Đến địa phận đất Chuông Sa (tên gọi khác của vùng đất này - PV) thì đứa bé đói quá nên khóc ròng không sao dỗ được.

Không có nhà dân nào xung quanh để xin cho đứa bé miếng nước, bà phải cố dỗ dành. Bỗng đâu chiếc gậy của bà cắm xuống mảnh đất mềm thì một dòng nước trào tóe lên. Bà mừng quá lấy nước cho đứa bé uống thì đứa bé nín khóc và ngủ ngon lành. Kể từ đó, bà ở lại đây sống và nuôi đứa bé. Khi bà mất, Nhân dân lập miếu thờ và giếng nước có từ đó.

Ban phát sự độ trì của Mẫu tới các bà mẹ "mất sữa"

Theo chia sẻ của những người dân làng Đường Lâm, mỗi ngày có hàng chục người từ các vùng lân cận và tỉnh xa đến xin nước tại giếng “sữa”. Đồng thời, cũng có hàng chục người khác đến làm lễ tạ vì người thân đã khỏi bệnh mất sữa. Thậm chí, nước lấy ở Giếng “sữa” có thể dùng để nấu cháo cho người mẹ, đồng thời có thể đun sôi để nguội, uống thay nước lọc hàng ngày. Sử dụng theo cách này, chắc chắn sữa sẽ “về”.

Chuyện lạ lùng về giếng nước linh thiêng chữa
Người dân xin nước tại giếng "sữa"

Gặp chúng tôi tại giếng “sữa”, chị Trần Phương Thảo (ở Sơn Tây, Hà Nội) cho biết đến đây để lễ tạ và xin nước về cho bạn. Người bạn này mới đẻ con trai được mười ngày nhưng không có sữa. Đứa bé khát sữa nên rất quấy, cả ngày cứ khóc ngằn ngặt. Gia đình bạn đã chạy chữa nhiều nơi, cho bà mẹ trẻ uống nhiều thứ thuốc, kể cả thuốc Tây đắt tiền nhưng không hiệu quả.

Vì biết chuyện công năng đặc biệt của giếng “sữa” từ lâu, chị Thảo đã đến đây để xin nước. Ba ngày trước, chị đã xin về hai chai (loại 1 lít) cho bạn. Quả nhiên, người bạn này đã bắt đầu có sữa, tuy không nhiều nhưng đủ cho con bú và rất phấn khởi. Lần này, chị Thảo mang hẳn một can 20 lít đến giếng để lấy nước.

Báu vật của làng cổ Đường Lâm

Về tác dụng đặc biệt của giếng “sữa”, hiện tại chưa có một kết luận khoa học nào. Năm 1965, một đoàn các nhà khoa học đã đến lấy nước ở đây về nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ra sao thì không được thông báo đến người dân.

Chuyện lạ lùng về giếng nước linh thiêng chữa
Đền Mẫu và giếng "sữa" là điểm thu hút đặc biệt đối với khách du lịch gần xa đến Sơn Tây

Đối với những người dân Đường Lâm, họ không cần một kết luận khoa học để chứng minh rằng giếng “sữa” quả nhiên có tác dụng kỳ lạ đối với căn bệnh mất sữa của phụ nữ. Điều đó đã được chứng minh hàng trăm năm qua, bởi hàng ngàn người phụ nữ đã sử dụng và khỏi bệnh mất sữa nhờ nước ở giếng này.

“Chúng tôi vẫn tin rằng, Mẫu đã ban cho giếng này khả năng mang sữa về cho người phụ nữ vì không muốn những đứa trẻ khát sữa, những người mẹ không có sữa để nuôi con. Đấy là tấm lòng của Mẫu. Người dân Đường Lâm đã được chọn để phân phát, chia sẻ phúc đức đó cho tất cả mọi người”, bà Sót tâm sự.

Vũ Cường
Phiên bản di động