Dấu ấn 68 năm giải phóng thị xã Sơn Tây
Thị xã Sơn Tây tổ chức Hội thi mít lần thứ nhất Chùm ảnh: Xúc động lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại thị xã Sơn Tây |
Dấu ấn Ngày Giải phóng thị xã Sơn Tây 3/8/1954
Thị xã Sơn Tây là một trong “tứ trấn” phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, còn gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài), tự hào là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua". Thị xã Sơn Tây cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 42km về phía tây có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, chính trị và quân sự của Thủ đô, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bên trong Thành cổ Sơn Tây trước năm 1954 |
Ngay từ ngày đầu xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã chọn tỉnh Sơn Tây (cũ) là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng; để từ đây tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc, tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Cho nên, chúng tập trung xây dựng ở đây một lực lượng binh lực mạnh, nhiều đồn, bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với Nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây.
Ngay trong sào huyệt của kẻ thù, Nhân dân thị xã đã có nhiều hình thức đấu tranh với địch như chống càn quét, khủng bố và xây dựng cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động. Kết hợp với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên chiến trường, quân dân thị xã mở đợt hoạt động chính trị sâu rộng trong lòng thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, nơi địch có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất mạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (đầu năm 1954), du kích xã Viên Sơn đã treo cờ trên cây găng ngã tư La Thành và trên cây gạo đầu làng Phù Sa, tung truyền đơn vào Rạp hát thị xã gây hoang mang dao động trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền của địch.
Trước sự tấn công mãnh mẽ trên mặt trận quân sự, chính trị của quân và dân Sơn Tây, địch tìm mọi cách đối phó, tổ chức nhiều cuộc vây ráp, bắt bớ. Tuy nhiên, bọn ngụy quân phần lớn là thanh niên bị cưỡng bức đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng nên tinh thần rất hoang mang, sợ chiến đấu, không dám đi vào ban đêm và bắt đầu có hiện tượng đào, rã ngũ.
Đình Phù Sa, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc, tháng 10 - 1954 (Nguồn: internet) |
Cuối tháng 4 đầu tháng 5/1954, Tỉnh ủy Sơn Tây chỉ đạo phát triển hoạt động vũ trang sâu vào trong lòng địch, tập kích nhiều vị trí quanh thị xã như: Trạm gác Bảo Chính đoàn ở Chốt Nghệ (cửa ngõ phía nam từ Hà Nội đi Sơn Tây), bốt Commăngđô Phù Sa (xã Viên Sơn); đánh bốt Commăngđô ở Ái Mỗ (Trung Hưng); du kích xã Đường Lâm đánh, diệt gọn một trung đội địa phương quân của địch tại Cam Thịnh; bao vây, chặn đánh bọn lính Thổ tại gò Đồng Xấu, Đông Sàng, bốt Văn Miếu… Trong các trận đánh, đã bắt sống và giết chết hơn 50 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.
17h30, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ nhanh chóng truyền về thị xã, làm cho địch ở Sơn Tây rất lo sợ, bối rối, đào, rã ngũ hàng loạt. Lợi dụng thời cơ đó, lực lượng binh vận của ta vận động binh lính bốt Jini Bến Tàu trói bọn chỉ huy, 40 tên địch đã ra hàng. Từ tháng 6/1954, quân Pháp ở thị xã rút dần về Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn, áp phích tuyên truyền tin thắng lợi của ta được tung, dán khắp nơi ở bến xe, bãi chợ, nơi công cộng, trước công sở của địch. Nhiều tên lính thấy áp phích của ta xúm lại xem nhưng không dám xé.
Đêm 16/7/1954, quân Pháp dùng đại bác từ Thành cổ và bốt Phù Sa liên tiếp bắn phá vào các xã Đường Lâm, Sơn Đông làm cho hàng chục người dân bị chết, bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị cháy, đổ, hư hỏng nặng. Đặc biệt, sáng ngày 17/7/1954, Pháp dùng xe tăng, xe cơ giới, bộ binh có pháo binh yểm trợ gồm 200 tên tấn công vào Đường Lâm giải vây bốt Văn Miếu, khai thông đường Sơn Tây - Trung Hà và đón quân từ Trung Hà rút về thị xã. Bộ đội địa phương và du kích xã đã chống trả quyết liệt, đến chiều, chúng phải rút về cố thủ ở trung tâm thị xã. Đây cũng là phản ứng cuối cùng báo hiệu giờ tận số của Pháp ở Sơn Tây.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ đã được ký. Thực hiện lệnh ngừng bắn, quân địch còn lại ở Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để tập kết ở Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam. Ta đã cho địch tập trung về thị xã, chờ quân ta vào tiếp quản. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5/8/1954, địch phải rút khỏi Sơn Tây, nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân ta và khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng thị xã, quân đội viễn chinh Pháp phải rút khỏi thị xã vào ngày 3/8/1954, chấm dứt 71 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất Sơn Tây (1883-1954); xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, Nhân dân lao động vĩnh viễn đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi xây dựng xã hội mới.
Ngày 3/8/1954, kỷ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, thị xã Sơn Tây sạch bóng quân Pháp xâm lược. Khoảng hơn 2 giờ chiều, cán bộ và Nhân dân thị xã tập hợp xếp hàng đi bộ trên Đường 11A (Quốc lộ 32 ngày nay) cách trung tâm thị xã khoảng 1km, giương cao cờ, băng, khẩu hiệu tiến về Chốt Nghệ thị xã. Đến đầu Chốt Nghệ, đoàn được đồng bào hai bên đường hân hoan, reo hò, mừng đón. Đến trung tâm thị xã gặp các đơn vị bộ đội hùng dũng từ các ngả đường tiến vào tiếp quản. Nhân dân treo cờ, căng khẩu hiệu, panô, treo ảnh Bác Hồ, trưng bày tranh ảnh, báo chí về cuộc kháng chiến trong cả nước và trong tỉnh. Buổi tối, nhân dân tập trung ở quảng trường và vườn hoa trước Phòng Thông tin để nghe tin tức, ca nhạc rất đông. Đó là một ngày không có tiếng súng, không có những trận giao tranh dữ dội. Thị xã được tiếp quản trong không khí thanh bình, rộn rã với những gương mặt rạng ngời hạnh phúc.
Toàn cảnh thị xã Sơn Tây hiện nay nhìn từ trên cao |
Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính trực tiếp đứng ra tiếp nhận bộ máy chính quyền quân sự cấp tỉnh của địch. Tỉnh cử ba đoàn đặc phái viên về tiếp quản ba khu phố trong nội thị. Mấy ngày sau đó, cuộc mít tinh lớn khoảng một vạn người tham gia được tổ chức ở Sân vận động thị xã. Các đơn vị bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích diễu hành qua thị xã trước khi tiến vào sân vận động.
Từ đó, ngày 3/8 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng, sống chết vì quê hương, đất nước. Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, thị xã Sơn Tây đã và đang có những bước chuyển mình vươn lên hội nhập cùng các quận, huyện phấn đấu trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát triển kinh tế du lịch bền vững
Hòa nhịp vào công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sơn Tây đã nỗ lực đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đưa diện mạo của đô thị Sơn Tây đổi mới từng ngày. Tháng 4/2006, Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III. Từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, thị xã Sơn Tây trực thuộc thành phố Hà Nội. Ngày 16/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Cán bộ và Nhân dân thị xã Sơn Tây được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây là những sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Sơn Tây, là niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã.
Phố đi bộ Sơn Tây |
Tính từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thị xã Sơn Tây đạt 259,684 tỷ đồng, bằng 119,4% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu ngân sách thị xã, xã phường ước thực hiện 903,109 tỷ đồng, đạt 66,8% dự toán giao; giá trị sản xuất các ngành thương mại - dịch vụ thực hiện 2.930 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thị xã Sơn Tây chú trọng phát triển các ngành kinh tế gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh; phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng, kết nối các tour tuyến, tăng cường công tác quảng bá, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, thân thiện; phát huy hiệu quả tiềm năng giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hoá Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... nhằm khai thác, mở rộng nguồn thu cho ngân sách.
Đời sống của người dân thị xã Sơn Tây được cải thiện về lượng và chất |
Điểm nhấn là thị xã Sơn Tây đang hình thành, phát triển 4 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Đường Lâm (đưa du khách đến với di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (nơi vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái) và “Làng du lịch homestay” xã Cổ Đông với hằng trăm mô hình homestay đang thu hút khách từ trung tâm Hà Nội lên nghỉ dưỡng cuối tuần. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 100 cơ sở kinh doanh lưu trú, nghỉ dưỡng và nhiều mô hình homestay, trên 550 nhà hàng, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch và 1 làng nghề đã được công nhận là làng nghề Bánh tẻ Phú Nhi. Riêng địa bàn xã Đường Lâm có khoảng 150 hộ dân tại tại khu vực di tích làm dịch vụ du lịch, tạo các sản phẩm phục vụ du khách...
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu trong buổi lễ khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài |
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho hay: "Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch; khai thác hiệu quả giá trị của di tích Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, đền Và; triển khai một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, khoai lang, tương và các sản phẩm từ tương Đường Lâm, các loại bánh, kẹo truyền thống… để phục vụ khách du lịch; xây dựng thêm điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP nhằm góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng ở mọi miền để tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương. Cùng với đó, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các nơi có hoạt động du lịch; giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn và xây dựng điểm đến du lịch Sơn Tây với slogan “Về Sơn Tây, về miền di sản”.
Được biết, trong thời gian qua, ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng ổn định, du lịch Sơn Tây cũng đã thu hút hơn 5 vạn khách tham quan tại Làng cổ ở Đường Lâm, các khu di tích và Thành cổ Sơn Tây. Số lượng người dân và du khách tham gia các hoạt động tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây ngày càng đông, từ 10.000-15.000 lượt khách/tuần; lượng khách quốc tế đến với thị xã hơn 5.700 lượt người...
Một góc làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Nina May |
"Thị ủy – HĐND - UBND thị xã tiếp tục quán triệt, khơi dậy trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân khát vọng xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một cực tăng trưởng phía Tây Bắc, một trung tâm lớn về du lịch văn hóa của Thủ đô; lấy các giá trị văn hóa là nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững, con người Sơn Tây là trung tâm gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa, xứng danh là vùng “đất hai vua”, địa linh nhân kiệt" - Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.