Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn

Tiến sĩ Cấn Văn Lực và các cộng sự đã khuyến nghị 8 giải pháp để bức tranh kinh tế Việt Nam tươi sáng hơn, phấn đấu đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021.
Kinh tế Hà Nội “vững bước” đi qua đại dịch Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp phát triển kinh tế năm 2021

Vẫn là một năm khó khăn

Năm 2021 là năm có nhiều ý nghĩa khi hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn với việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, đồng thời là năm đầu thực Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Trong bối cảnh thế giới dự báo có nhiều biến động, đặc biệt là dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam vẫn là “thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

Theo đó, nhóm chuyên gia cho rằng, năm 2021 các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch (gồm cả khâu sản xuất và phân phối vắc xin) và khôi phục kinh tế.

Nhóm chuyên gia nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 dự báo có thể đạt 6,5-7%, tương đồng với dự báo của các tổ chức quốc tế.

Theo nhóm chuyên gia, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam năm 2021về cơ bản vẫn là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (dự báo tăng khoảng 10-11%, tương đương năm 2019), ngành xây dựng tăng khoảng 8-9% (gần bằng năm 2019) và ngành dịch vụ tăng khoảng 6-7% (gần bằng năm 2019).

Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn
Năm 2021 dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam và thế giới

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát được dự báo sẽ tăng trong năm 2021 do tác động của đà hồi phục kinh tế, lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, độ trễ của chính sách tiền tệ - tài khóa mở rộng.

Nhóm chuyên gia dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 sẽ tăng 3,5-3,7% so với năm 2020 (theo mô hình dự báo lạm phát của Viện Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, đây là mức thấp hơn mức dự báo hồi tháng 9/2020) song sẽ vẫn tăng 0,3-0,5 điểm % so với năm 2020.

Vì vậy, để đảm bảo kiểm soát tốt lạm phát, cần chú trọng đảm bảo hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng cường bình ổn giá, đảm bảo dân sinh và niềm tin người tiêu dùng (đặc biệt vào các dịp cao điểm mang tính mùa vụ) cũng như phối hợp, truyền thông chính sách tốt hơn.

Về cán cân ngân sách, theo nhóm chuyên gia, để tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế và trang trải các khoản vay cũ, dự báo thâm hụt ngân sách và nợ công Việt Nam sẽ vẫn duy trì mức cao trong năm 2021 lần lượt ở mức 4% GDP và 56-58% GDP (GDP chưa đánh giá lại), song sẽ được kiểm soát theo hướng giảm dần qua từng năm trong giai đoạn 2021-2025.

Nhóm chuyên gia dự báo thâm hụt ngân sách sẽ được kiểm soát ở mức dưới 3,5% trong giai đoạn 2021-2025 (theo GDP sau đánh giá lại) và nợ công giảm dần và ở mức 43-45% GDP vào năm 2025 (theo GDP đánh giá lại), tiệm cận mức nợ công bền vững theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Chuyên gia “hiến kế”

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dù sẽ phục hồi, khả quan hơn nhưng còn nhiều bất định trong năm 2021, để bức tranh kinh tế Việt Nam tươi sáng hơn, phấn đấu đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, nhóm chuyên gia khuyến nghị cần tập trung 8 giải pháp chính.

Theo nhóm chuyên gia, năm 2021, chúng ta cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, kiên trì nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn
Năm 2021, chúng ta cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, kiên trì nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả

Đồng thời, Nhà nước cũng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ, rà soát, mở rộng và kéo dài các gói hỗ trợ (nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động mạnh như du lịch, hàng không, bán lẻ…) để giúp doanh nghiệp vượt khó, cũng là nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu ngân sách lâu dài. Chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5-7%.

Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô thông qua. Theo nhóm chuyên gia, Nhà nước cầnnâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu; Theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế để sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định thị trường.

Đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa thận trọng, thích ứng, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát; Xây dựng lộ trình và thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách phù hợp, hiệu quả, tránh cao điểm...

Sớm bắt tay triển khai các chiến lược, ưu tiên hoàn thiện thể chế như là một đột phá của năm 2021. Theo đó, nhóm chuyên gia cho rằng năm 2021 cần ưu tiên hơn nữa khâu này, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng và thực thi thể chế; Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân và thể chế cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, xã hội số, và phát triển bền vững (kinh tế xanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; Có giải pháp cụ thể, quyết liệt về bảo vệ môi trường và tăng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu)…

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Nhóm chuyên gia cho rằng chúng ta cần thực thi hiệu quả nhằm tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới; Thực hiện hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 50 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng, sàng lọc thu hút FDI đến năm 2030 nhằm tận dụng tốt hơn xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng; Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thể chế theo các cam kết hội nhập.

Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Theo nhóm chuyên gia, trong năm 2021, đầu tư công vẫn nên được xem như một giải pháp quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó cần lưu ý tính hiệu quả và thực chất của việc giải ngân đầu tư công.

Tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả, lưu ý tính liên kết vùng; Đồng thời tăng cường nội lực, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần có kế hoạch, lộ trình và giải pháp phù hợp kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%, nợ xấu gộp dưới 5%; Giảm dần nợ công (về khoảng 43-45% GDP), thâm hụt ngân sách (về mức dưới 3,5% GDP) và nghĩa vụ trả nợ dưới 25% thu ngân sách Nhà nước đến cuối năm 2021-2022, cũng như tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối phù hợp.

"Cần theo dõi, có kịch bản đối với rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu. Đồng thời, cần quyết tâm xây dựng và triển khai chiến lược phát triển kinh tế xanh, vừa đảm bảo yếu tố môi trường, vừa là nền tảng phát triển bền vững'', nhóm chuyên gia cho biết.

Nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nhất quán thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình 749). Trong đó, hết sức chú trọng nâng cấp hạ tầng số, đẩy mạnh chính quyền điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh cá nhân và doanh nghiệp, và tăng năng lực an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng.

Cuối cùng, theo nhóm chuyên gia cần hết sức chú trọng tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp. Trong đó, cần đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ, sớm ban hành gói hỗ trợ bổ sung (nhất là hỗ trợ các lĩnh vực du lịch, hàng không…); Tăng tính gắn kết giữa các khối doanh nghiệp (trong nước với FDI, lớn với nhỏ); Áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ; nâng đỡ, khuyến khích để các hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ; Đồng thời tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn (đầu đàn) dẫn dắt, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, kết nối các chuỗi giá trị.

Văn Huy
Phiên bản di động