Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp phát triển kinh tế năm 2021
Dấu ấn đổi mới của các bộ trong sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước “Bão” Covid-19 khiến xuất khẩu của Việt Nam hụt 19 tỷ USD |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Theo Nghị quyết, trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%...
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đặt ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế trong năm nay.
Chính phủ tiếp tục có các giải pháp về tín dụng, tài chính, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Cụ thể, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép", vừa chống Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong đó, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn nguồn bệnh từ bên ngoài. Đồng thời xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp về tín dụng, tài chính, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không.
Cùng với đó, Chính phủ cũng nêu ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường... để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Chính phủ cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; Tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung cầu.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác nằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Nhóm giải pháp khác được Chính phủ đặt ra là công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu, ổn định giá cả thị trường. xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hơp lý, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.
Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại đã ký và tiếp tục đàm phán những hiệp định mới...
Ngoài ra, các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước giữ 100% vốn, đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án ngành công thương...