Chuyển đổi số và những trăn trở, hiến kế của thế hệ thanh niên Việt Nam
Hà Nội: Tích cực chuyển đổi số trong công tác quản lý Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành giáo dục Thủ đô Chuyển đổi số là cơ hội để thanh niên bứt phá |
Hôm nay 26/3, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024), Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi gặp mặt và đối thoại cùng thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Chảy máu chất xám nguồn lực khoa học
Quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao ở quy mô đủ lớn. Tuy nhiên đây vẫn đang là một thách thức khi vấn đề đào tạo nhân sự kỹ thuật cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hiện vẫn còn thiếu nhiều chuyên gia nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, những người có khả năng dẫn dắt và định hướng công nghệ... Ngoài ra, vấn đề chảy máu chất xám vẫn là bài toán chưa có lời giải khi chưa có những bài toán đủ khó và môi trường đủ hấp dẫn để thu hút cũng như giữ chân nhân tài.
Có thể nói, năng lực số của nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đảm bảo có thể bắt kịp hoặc xa hơn là "đi trước đón đầu" sự phát triển của khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng.
Chính bởi vậy, tôi có trăn trở rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì để tuyển dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám"?
Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu |
Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành một quốc gia đi đầu về kinh tế số, xã hội số để góp phần quan trọng vào mục tiêu thịnh vượng. Tôi kỳ vọng Chính phủ quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho khoa học công nghệ, bởi chắc chắn khoa học công nghệ là nền tảng hàng đầu dẫn dắt và đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới.
Từ đây, tôi cũng có đề xuất các bạn học sinh, sinh viên, những bạn trẻ có điều kiện lý tưởng để tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống, trở thành những công dân số, người tiêu dùng số và người sáng tạo nội dung số.
Để làm được điều đó, tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thiết lập các chương trình đào đạo kỹ năng số dành cho học sinh, sinh viên và cả cộng đồng. Các chương trình này không hình thức và cần hướng tới nhu cầu thiết thực, cá nhân hoá và hướng tới tăng cường kỹ năng để giải quyết công việc của từng chủ thể.
Với định hướng này, sẽ giúp tạo ra một lớp người Việt trẻ tinh túy, nhờ việc được kế thừa của "đàn anh" đi trước, các bạn sẽ đủ năng lực để làm những việc lớn hơn. Có như thế, chúng ta mới có một lực lượng nhân sự số hùng hậu để thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế số và xã hội số.
TS. Phạm Huy Hiệu
Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp (E-lab), trường Đại học VinUni
Top 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023
Tạo nguồn lực để tuổi trẻ tiên phong đi đầu chuyển đổi số
Là một đoàn viên, trước hết, tôi cảm thấy tự hào và vinh dự khi được đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của đất nước, một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào và sự hào hứng, tôi cũng có một số trăn trở liên quan đến vấn đề này.
Thứ nhất, vấn đề về nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, cũng như yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang đòi hỏi ngày càng cao về trình độ chuyên môn và kỹ năng sáng tạo. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một thách thức lớn.
Thứ hai, vấn đề về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Để chuyển đổi số thành công, việc đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng. Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho việc phát triển ứng dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới; phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế… trong đó, bao gồm cả việc phát triển mạng lưới internet tốc độ cao và hệ thống an toàn thông tin. Việc này đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn và sự quản lý, điều phối hiệu quả từ phía chính phủ và các cơ quan liên quan.
Thứ ba, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số. Khi mà dữ liệu trở thành tài sản quý giá, việc đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để xây dựng một hệ thống an toàn thông tin mạnh mẽ, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dùng trong việc bảo vệ thông tin cá nhân là một bài toán khó cần được giải quyết.
Nguyễn Nam Bảo Ngọc |
Trên hết, tôi tin rằng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn xã hội, bao gồm cả bản thân tôi và các đoàn viên khác, Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức này, từng bước tiến tới thành công trong quá trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên toàn quốc, là một đoàn viên, tôi rất quan tâm đến việc làm thế nào để các chính sách và sáng kiến về chuyển đổi số có thể thực sự phản ánh và đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và khởi nghiệp.
Từ đó, tôi có trăn trở rằng, Thủ tướng có thể chia sẻ về những kế hoạch cụ thể nào đang được triển khai để hỗ trợ giới trẻ, đặc biệt là các bạn đoàn viên, không chỉ tiếp cận được với công nghệ mới nhất mà còn được trang bị kỹ năng số cần thiết để sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên số này không?
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn và kỳ vọng đối với các lĩnh vực, cụ thể như sau:
Tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng số: Kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục và tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng số cho giới trẻ. Điều này bao gồm việc cập nhật chương trình giảng dạy, tích hợp kiến thức và kỹ năng số vào giáo trình từ cấp tiểu học đến đại học.
Hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo đổi mới: Mong muốn Chính phủ tạo lập môi trường thuận lợi cho việc khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thông qua việc hỗ trợ về mặt tài chính, đào tạo, và tạo điều kiện thuận lợi trong quy định pháp lý.
Chú trọng an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu: Kỳ vọng Chính phủ sẽ đặt ra các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tạo dựng niềm tin vào quá trình chuyển đổi số.
Tạo điều kiện cho sự phát triển của nền tảng số: Mong muốn Chính phủ hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của các nền tảng số, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới internet tốc độ cao, công bằng và tiếp cận được với mọi người dân.
Trên cương vị là một thanh niên tiêu biểu trong công tác chuyển đổi số, tôi có một số hiến kế, bao gồm:
Triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số mở rộng: Đề xuất triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số trên cả nước, không chỉ ở các trung tâm lớn mà còn ở các vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ, đều có cơ hội tiếp cận và học hỏi.
Thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp: Khuyến khích sự hợp tác giữa nhà nước và các doanh nghiệp công nghệ thông qua các dự án chung, nhằm tạo ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả cho cộng đồng và nền kinh tế.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Hỗ trợ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp linh hoạt và mạnh mẽ, bao gồm việc cung cấp vốn đầu tư, mentorship (mối quan hệ giữa một người có kinh nghiệm và kiến thức (mentor) với một người có ít kinh nghiệm và kiến thức hơn) và tạo lập một mạng lưới hỗ trợ các startup (khởi nghiệp).
Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ: Đề xuất chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và giảm thiểu rào cản.
Nguyễn Nam Bảo Ngọc
Top 20 Thanh Niên Sống Đẹp 2023
Thanh niên cần nhận thức rõ về vai trò và sứ mệnh trong chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng nhằm hướng tới một xã hội. Đặc biệt không thể không phủ nhận vai trò tiên phong của thanh niên.
Vì vậy, tôi thấy rằng, thanh niên cần phải hiểu được thế nào là “năng lực số”. Bởi, thanh niên cần phải trang bị năng lực số trước khi muốn “chuyển mình” trở thành “công dân số", từ đó mới có thể vận dụng, thụ hưởng thành quả chuyển đổi số và làm chủ, sáng tạo sản phẩm số.
Thế hệ thanh niên ngày nay may mắn khi được tiếp cận với công nghệ số từ sớm, vì vậy các bạn phải nhận thức rõ ràng với môi trường số mà mình đang sống, từ đó, phát huy được những khả năng tiềm ẩn vốn có, tạo tiền đề, cơ sở phát triển, bồi dưỡng.
Theo cá nhân tôi, đoàn viên thanh niên cần nắm vững những kiến thức chuyên môn về năng lực số, công nghệ số ngay tại trường học. Nhà trường là một môi trường lý tưởng, uy tín để cung cấp các thông tin, định hướng về năng lực số cho đoàn viên thanh niên. Nơi đây chính thầy cô sẽ có những phương pháp, định hướng phù hợp với từng đối tượng từ đó có thể phát huy được những thế mạnh của bản thân mình. Học kiến thức chuyên môn tại trường học không chỉ để hiểu về công nghệ mà còn hiểu về các vấn đề xã hội, những chủ trương đường lối để ta hiểu, từ đó liên kết và vận dụng vào thực tiễn.
Ở xã hội hiện nay, vạn vật kết nối, tư duy toàn cầu hành động, đòi hỏi chúng ta cần liên tục sử dụng công nghệ số và vận dụng thành thạo những thao tác số cơ bản nhất. Chúng ta cần chủ động vận dụng công nghệ vào trong các hoạt động hành ngày từ học tập đến sinh hoạt phục vụ mục đích nâng cao chất lượng hoạt động mà không làm mất đi giá trị của nó. Từ đó sẽ tạo ra những phản ứng linh hoạt trước môi trường hiện đại đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện các kiến thức lý thuyết.
Bạn Vũ Thị Ngọc |
Tôi nghĩ hơn ai hết, mỗi đoàn viên thanh niên cần chủ động tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động liên quan đến phát triển năng lực số, công nghệ số, chuyển đổi số, ví dụ: tham gia các tọa đàm, workshop, diễn đàn để có thể lắng nghe, học tập và đặc biệt hơn là chuẩn bị cho mình một tâm thế của “công dân toàn cầu”.
Thêm vào đó, chủ động tìm hiểu thêm các kiến thức về luật an ninh mạng và bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu, độc hại, tránh được tối đa những vi phạm trên không gian mạng.
Đặc biệt, thế hệ thanh niên Việt Nam cần phát huy được tiếng nói của mình trong việc bày tỏ nguyện vọng để được học tập, hoạt động trong môi trường số.
Đoàn viên thanh niên là lực lượng có tầm ảnh hưởng quan trọng tới tương lai, vận mệnh đất nước. Với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, mỗi cá nhân thanh niên cần nhận thức rõ về vai trò và sứ mệnh của mình để cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công tác nâng cao năng lực số cho bản thân.
Thông qua buổi đối thoại này, tôi hy vọng sắp đến Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể hơn nữa để thế hệ trẻ của mỗi trường học có thể phát huy vai trò và giá trị của bản thân mình.
Vũ Thị Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội
Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính
Hoàn thành mạng lưới kết nối truyền thông trên toàn quốc
Đối với cá nhân tôi, tôi tin rằng sự xuất hiện của chuyển đổi số là một bước nhảy vọt trong giáo dục hiện nay khi rất nhiều những kĩ thuật cũng như phần mềm được áp dụng trực tiếp trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên đứng trên cương vị là một học sinh, người trực tiếp tiếp nhận kiến thức, tôi cũng có một số những suy nghĩ và khúc mắc trong quá trình này.
Khả năng phổ biến được chuyển đổi số trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có khả thi hay không khi một số trường học, cụ thể hơn là các vùng sâu, vùng xa hay những khu vực có nền kinh tế chưa thực sự nổi bật sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác cập nhật kỹ thuật số và kết nối mạng lưới Internet cho cả học sinh, giáo viên? Liệu điều đó có ảnh hưởng tới sự nhịp nhàng của quá trình truyền tri thức đến các thế hệ học sinh hay không khi phương thức giảng dạy có sự biến chuyển như vậy?
Liệu chuyển đổi số có gây mất tương tác và kết nối trong quá trình học tập giữa thầy và trò hay không? Bởi lẽ, việc chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang hình thức trực tuyến có thể làm giảm sự hợp tác giữa thầy cô và học sinh cũng như ảnh hưởng tới trải nghiệm tâm lý của học sinh trong quá trình học hỏi từ nhiều khía cạnh khác nhau...
Bạn Hoàng Diệu Ly |
Tất nhiên, bản thân tôi tin rằng cơ hội để học tập và trau dồi kiến thức là một điều đáng quý, chính vì vậy tôi cũng có một số câu hỏi liên quan đến những trăn trở trên:
Thủ tướng Chính phủ có thể đưa ra những giải pháp thích hợp hay kế hoạch cụ thể ra sao để đảm bảo tính khả thi và chất lượng để học sinh trên các vùng khó khăn cũng có cơ hội tiếp xúc và học hỏi thông qua sự phát triển vượt bậc của công nghệ - chuyển đổi số và hiện tại tiến độ thực hiện của dự án đó đã và đang đến giai đoạn nào?
Bên cạnh đó, Chính phủ có biện pháp nào để giáo viên và học sinh có thể thích nghi với chuyển đổi số và giữ được tốt nhất mối liên hệ giữa thầy cô và học sinh?
Tôi mong rằng trong bất kỳ hoàn cảnh cũng như bước dịch chuyển nào, các bạn học sinh đều có cơ hội học tập dựa trên cơ sở bình đẳng. Chính vì vậy tôi mong rằng phía Chính phủ có thể tiếp tục ưu tiên hỗ trợ về mặt tài chính để hoàn thành việc kết nối mạng lưới tại những khu vực chưa có điều kiện nhằm phát huy thế mạnh của chuyển đổi số và cam kết rằng tất cả các học sinh đều có thể truy cập vào mạng lưới giáo dục đó. Thêm vào đó, việc cập nhật, thử nghiệm và lan tỏa những công nghệ mới trong giảng dạy nhằm thu hút sự tương tác nhiều hơn sẽ là cấp thiết để bảo toàn sợi dây kết nối mật thiết giữa thầy và trò.
Hoàng Diệu Ly
Tân Đại sứ trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội mùa 8