Chuyển đổi bãi rác Nam Sơn thành công viên tái chế
Tiên cho biết, gia đình cô từng phải sống gần bãi rác nên thấu hiểu những thiệt thòi người dân quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phải chịu. Tìm hiểu thêm, Tiên được biết, mỗi ngày thành phố Hà Nội thải ra môi trường hơn 7.000 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, khoảng 6.000 tấn (85%) được đốt và chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn – bãi rác có quy mô lớn nhất miền Bắc.
Tình trạng quá tải, ùn ứ, ô nhiễm môi trường tại bãi rác ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của dân cư làng xã xung quanh. Thậm chí, nhiều hộ gia đình đã chọn cách chuyển những đứa trẻ đi nơi khác sinh sống để không phải chịu những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường.
Sinh viên Đặng Thị Tiên (Đại học Kiến trúc Hà Nội) giới thiệu đồ án “Thể và Dụng - Công viên tái chế rác Nam Sơn” |
“Triết học phương Đông cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều có lý do tồn tại, đều hữu ích. Những vật dụng mà xã hội tiêu dùng thải ra vốn bị xem là rác “Thể rác” đều có khả năng chuyển thành “Thể vàng” nếu được tái sử dụng với tinh thần “dụng Mộc”. Chúng mình tin rằng rác không phải là vật vô tri mà có thể tái chế để phục vụ đời sống con người”, Tiên chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, Tiên và người bạn là Vũ Văn Toàn đã bắt tay vào thực hiện đồ án với đề tài “Thể và Dụng - Công viên tái chế rác Nam Sơn” và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của TS. KTS Trần Nhật Kiên, giảng viên trường Đại học Kiến trúc. Để có số liệu thực tế, cả hai dành nhiều thời gian đến bãi rác Nam Sơn để khảo sát và lấy kiến người dân xung quanh.
Theo Tiên, quá trình thực hiện đồ án cả hai gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, cả hai thường xuyên mâu thuẫn trong lựa chọn ý tưởng. Sau nhiều lần tranh luận “nảy lửa” mới tìm được tiếng nói chung. Việc khảo sát bãi rác Nam Sơn cũng không hề đơn giản bởi khó vào bên trong nên phải tìm hiểu qua các bài báo đã phản ánh trước đó.
Sinh viên Đặng Thị Tiên |
Mất gần nửa năm, Tiên và người bạn mới có thể hoàn thành đồ án chuyển đổi bãi rác Nam Sơn thành công viên tái chế rác với nội dung: Áp dụng các công nghệ tiên tiến tái chế rác thành năng lượng điện, phân bón, vật liệu xây dựng…; Giáo dục cộng đồng bằng cách tổ chức các không gian sáng tạo nghệ thuật từ rác tái chế cho trẻ em; Chia sẻ công việc và không gian công cộng với cộng đồng dân cư đại phương; Nghiên cứu sử dụng thực vật trong việc xử lý ô nhiễm đất và ô nhiễm nước
“Với việc áp dụng các biện pháp trên sẽ góp phần hạn chế tình trạng quá tải, ùn ứ, ô nhiễm môi trường tại bãi rác, ảnh hướng đến cuộc sống sinh hoạt của dân cư. Qua các không gian sáng tạo nghệ thuật từ rác tái chế, chúng mình mong muốn cộng đồng sẽ cùng chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là tái chế rác tại nguồn...”, Tiên chia sẻ
Tiên cho biết thêm, nếu đưa ý tưởng đồ án vào thực tế sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường cũng như cải thiện chất lượng sống của những người dân xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện, trong đó việc cần làm ngay là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, nhất là các bạn trẻ. Nếu việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện một cách triệt để sẽ giảm tình trạng quá tải cho các bãi rác, đồng thời tái chế để phục vụ đời sống con người.