Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian
Quyết liệt gỡ khó cho dự án, đất đai để tránh thất thoát lãng phí Chống lãng phí trong ngành Công thương |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành thanh tra, sáng 28/12.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, năm 2024 ngành thanh tra đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, nhất là thể chế chuyên ngành, góp phần tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Chúng ta xác định xây dựng thể chế là đột phá của đột phá; xây dựng Nhà nước pháp quyền và quản lý, quản trị đất nước phải bằng hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra phải dựa trên hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì mới hiệu quả", ông Bình nói.
Một nội dung lớn nữa được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh là tình trạng lãng phí còn rất nghiêm trọng; chủ trương của Đảng là phải đẩy mạnh phòng chống lãng phí bên cạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
"Cho rằng lãng phí gây hậu quả rất lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiệm vụ là phải chống lãng phí", ông Nguyễn Hòa Bình nói thêm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. |
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành với sự chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện 2 việc.
Một là thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Hai là tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo… việc tháo gỡ này sẽ khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ; cho rằng cách làm của chúng ta hoàn toàn mới, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, đã công bố công khai đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước chứ không phải làm riêng cho cá nhân nào, dự án nào, nên không có chuyện chạy chọt.
Điểm sáng nữa là công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều đổi mới. Ngành thanh tra đã tăng cường kiểm tra, đôn đốn nên các vụ khiếu kiện kéo dài giảm 23%, những vụ việc phức tạp phần lớn được giải quyết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với những hạn chế, tồn tại đã được nêu rõ trong báo cáo như tỉ lệ xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra chưa cao, còn tình trạng khiếu kiện đông người.
Một số kết luận thanh tra còn chưa được tâm phục, khẩu phục, chưa thấu tình đoạt lý và khả thi; hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra còn chưa đều, nhất là thanh tra ở cấp huyện, cũng là vấn đề.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thanh tra cần tập trung triển khai thực hiện, trong đó nêu rõ cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của thanh tra.
Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, qua công tác thanh tra phải phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
"Để làm việc này, thanh tra phải rất giỏi, đồng thời quán triệt tinh thần thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của quá trình phát triển. Rất nghiêm nhưng phải rất sát thực tế, hỗ trợ cho quá trình phát triển", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đồng thời, thanh tra phải góp phần quan trọng trong việc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống, giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về đội ngũ cán bộ, chỉ ra, "anh này có đáng khen, có đáng bổ nhiệm không và mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, duy trì trật tự pháp luật".
Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra; kết luận thanh tra phải thấu tình, đạt lý.
Bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phải phòng, chống lãng phí; nêu rõ việc này không chỉ là bổ sung vào báo cáo để cho hay mà cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn cho cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung như thế nào để phòng, chống, xử lý lãng phí; trong chương trình thanh tra năm 2025 nên chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết lại, trở thành hướng dẫn chung.