Chứng khoán đón thêm “tân binh” ngành ngân hàng
Doanh nghiệp ngồi nhà vay tiền ngân hàng Ngân hàng đừng quá “khắt khe” với doanh nghiệp |
Sáng 24/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 1.208.744.208 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã CK: SSB) vào giao dịch.
Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu SSB đạt 12.087.442.080.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%.
Tính đến thời điểm hiện tại, SeABank là ngân hàng thứ 2 thực hiện niêm yết kể từ đầu năm 2021 và là ngân hàng thứ 16 niêm yết tại HOSE.
Cổ phiếu SeABank chính thức giao dịch chứng khoán |
Được biết, SeABank tiền thân là Ngân hàng TMCP Hải Phòng, được thành lập vào tháng 3/1994 với vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng.
Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, hiện nay vốn điều lệ của SeABank đạt hơn 12.087 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của nhà băng là các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất trong bản cáo bạch của SeABank, năm 2018 và 2019, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng lần lượt đạt 8.659 tỷ và 10.208 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 493 tỷ và 1.098 tỷ đồng.
Năm 2020, nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng vẫn sụt giảm so với năm trước trong khi thu nhập chính tăng trưởng không nhiều, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 25%, còn hơn 2.406 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 63%, còn 677 tỷ đồng do đó lợi nhuận trước và sau thuế cả năm 2020 tăng 24%, ghi nhận gần 1.729 tỷ đồng và hơn 1.360 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của SeABank đã tăng 14% so với đầu năm, ghi nhận hơn 180.207 tỷ đồng.
Đáng nói, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm rõ rệt chỉ còn dương gần 120 tỷ đồng, trong khi năm trước dương đến 7.778 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý công vụ, tăng các khoản về kinh doanh chứng khoán…