Ngân hàng đừng quá “khắt khe” với doanh nghiệp
Moody's nâng triển vọng tín nhiệm 15 ngân hàng Việt Nam Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng |
Thông tin trên được đưa ra tại một buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua COVID-19 diễn ra mới đây.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, khiến bị quá hạn trả lãi hoặc gốc, dính nợ xấu sẽ bị liệt vào “danh sách đen”.
Tuy nhiên, dù sau đó doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi đầy đủ, thì vẫn có “vết” trong hệ thống thông tin ngân hàng và rất khó tiếp cận vốn ở bất kỳ ngân hàng nào khác.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 |
Theo ông Thập, loại trừ những trường hợp doanh nghiệp yếu kém cần cẩn trọng thì có những doanh nghiệp chỉ một lần gặp khó tạm thời mà không bao giờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng là quá khắt khe.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng chiến lược ngân hàng cho rằng, cần làm mới tư duy của người làm chính sách để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới, chứ không áp đặt quá máy móc.
Ông Phạm Xuân Hoè phân tích, nếu chính sách ban hành nhưng lại có những điều kiện kèm theo quá chặt chẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận.
Lấy ví dụ như gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, ông Hòe cho rằng chủ trương đúng nhưng khi ban hành rồi sửa đổi nhưng vẫn xa rời thực tế. Ngoài quy định giảm doanh thu, điều kiện đặt ra để được vay gói này là doanh nghiệp có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên.
Theo ông Hòe, các chính sách vay với lãi 0% hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, nhưng những trường hợp được thụ hưởng rất ít. Thực tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó, thậm chí bán bớt tài sản nhưng cố gắng duy trì việc làm giữ chân lao động. Nếu cho nghỉ không lương, hoặc nghỉ luân phiên cũng chỉ khoảng 1 đến 2 tuần lại đi làm. Nhưng quy định kèm theo để được hỗ trợ thì người phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên mới được hưởng, chưa kể rất nhiều điều kiện phức tạp khác là thiếu thực tế, đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý lao động cần sớm tham mưu, sửa đổi quy định.
“Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạ lãi suất với mục tiêu tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhưng khi triển khai thực tế, tại các ngân hàng, lãi suất tiền vay luôn hạ chậm và ít hơn so với lãi suất tiền gửi, rất ít doanh nghiệp thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay có trần 4,5%/năm với lĩnh vực các lĩnh vực ưu tiên do một số quy định quá chặt so với thực tế”, ông Phạm Xuân Hòe nhận xét và cho rằng các chính sách hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa nếu quá khó tiếp cận, cần phải sát với thực tiễn hơn, để sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ các đối tượng cần hỗ trợ.
Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các ngân hàng xác định, doanh nghiệp có tồn tại, sống khỏe thì ngân hàng mới phát triển và ngược lại. Dù vậy, trong quá trình triển khai các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức vì sự sụt giảm “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp.
Bà Giang cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương sửa đổi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hướng điều chỉnh một số mốc thời gian để tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biễn dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua và sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế triển khai của tổ chức tín dụng.