Chưa cán bộ Kiểm toán Nhà nước nào bị xử lý vì bỏ lọt vi phạm
Quốc hội chất vấn về lĩnh vực kiểm toán, văn hóa Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ "soi" việc quản lý giá điện |
Sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) cho biết, các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 131 (27/10/2023) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành trong thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào?
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành là nhiệm vụ được quan tâm.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. |
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới.
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…
Cũng nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho biết, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư...
Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai). |
Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào, sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất là cụ thể.
Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.
"Nếu có lỗi thì phải xử là tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể", ông Tuấn nói và cho biết thêm: “Gần 30 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước chưa có trường hợp nào bị xử lý như vậy”.