Chủ tịch Quốc hội: Phải chăng còn buông lỏng, chưa xử lý nghiêm vi phạm PCCC?
Chủ tịch Quốc hội: Không né tránh vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách Chủ tịch Quốc hội: Giám sát trúng, đúng vấn đề Nhân dân quan tâm |
Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động tới đời sống, kinh tế, xã hội cũng như tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp…
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH vừa qua.
“Một vụ cháy lớn xảy ra có thể làm nhiều người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản của Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy cho thấy sự lãnh đạo của Đảng rất quan tâm tới công tác PCCC.
Bên cạnh đó, nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội đều thể hiện sự quan tâm tới công tác PCCC và CNCH.
Do đó, để Luật PCCC và CNCH có chất lượng và đảm bảo khi có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, quán triệt nghiêm túc, luật hóa các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Kết luận số 02-KL/TW và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Lãnh đạo Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện công tác PCCC.
Quang cảnh phiên họp. |
"Công tác này rất được quan tâm nhưng ở một số địa phương, cơ sở phải chăng còn buông lỏng, chưa xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh vi phạm phòng cháy chữa cháy hay các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống PCCC hoặc nếu có không sử dụng được", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nhấn mạnh phòng là chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi cháy rồi, chữa cháy rất khó khăn. Đặc biệt với Hà Nội và TP HCM có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập là không có thang cao để chữa cháy.
"Khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì… không có cách nào chữa cháy", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về phòng cháy đối với nhà ở, tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng ý với việc tách và bổ sung quy định cụ thể hơn với 2 loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh như trên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế vừa qua các vụ cháy xảy ra với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh đã cho nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Nên phải đúc kết đưa vào luật nhằm hạn chế tối đa cháy, hậu quả cháy khi xảy ra.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, soạn thảo rà kỹ để đảm bảo khi đặt ra quy định mới, hoàn thiện quy định mang tính kế thừa đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân.