Chính phủ yêu cầu sớm đánh giá trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn
Những sai phạm về trái phiếu doanh nghiệp vừa qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” Thanh tra Chính phủ sắp thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp |
Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cùng với thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn. Sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.
Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu, nhưng đúng là mới thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là 2 - 3 năm gần đây.
Vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là bài học lớn cho các nhà đầu tư |
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP. Trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP.
Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều duy trì ở mức cao và riêng trong khu vực Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP),…
Theo ông Phớc về chất lượng, đánh giá một cách khách quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây.
"Chúng ta cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Mặc dù vậy, vì sự tăng trưởng nhanh, lại trong bối cảnh COVID-19 xảy ra, nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.