Chính phủ trình Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 |
Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình Quốc hội đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo tờ trình, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường và 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.
Theo đó, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân, thị xã Phong Điền và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô. |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Cầu Trường Tiền về đêm, biểu tượng của Huế. |
Cùng với đó, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế.
Thẩm tra đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế theo phương án Chính phủ trình.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế sau khi được thành lập trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá mới dựa trên nền tảng, thế mạnh và đặc thù của địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương, giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố để tạo động lực cho thành phố Huế phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, sớm ổn định hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở địa phương, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân.