Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025

Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội: Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí Nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, sẽ chỉ đứng ở phía sau

Chiều muộn 26/11, trong khuôn khổ chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 29 (lần 2), Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đồng thời, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).

Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.

Trong đó, về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với 2 chính sách cơ bản.

Cụ thể, quy định về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó việc miễn thuế sử dụng thuế đất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; quy định về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó xác định thời gian miễn thuế là 5 năm (tiếp tục miễn thuế từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030).

Đối với, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ đề xuất xây dựng luật với 3 chính sách trọng tâm, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp, xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Đồng thời tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân với 4 chính sách; dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách và dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 3 chính sách cơ bản.

Trong đó, Chính phủ thống nhất về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 như tờ trình của Chính phủ.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục bất cập hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn về tính cấp thiết và thứ tự ưu tiên của các dự án luật, dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo tính khả thi.

Liên quan tới thời điểm trình, thứ tự ưu tiên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các ý kiến đều nhất trí như đề xuất của Chính phủ về bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới cơ bản, gồm: Quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; liên kết trong hoạt động báo chí; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; cải chính và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí…

Có thể nói, Luật Báo chí 2016 đã cơ bản pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp; một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

Theo đó, báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng. Cụ thể, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Đây cũng là nguyên nhân khách quan bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa báo và tạp chí trên internet hiện nay rất mong manh.

Đặc biệt, trong bối cảnh việc kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội rất khó thực hiện như hiện nay thì cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đồng thời, cũng cần có những quy định riêng kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn nguồn thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.

Về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện; có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số…

Hậu Lộc
Phiên bản di động