Chiến lược mới của Thế Giới Di Động với Bách Hóa Xanh “5 tỷ”

Tính tới cuối tháng 7/2020, Thế Giới Di Động đã mở 12 cửa hàng Bách Hóa Xanh mô hình “5 tỷ” từ việc nâng cấp các cửa hàng hiện hữu có doanh số cao, trong đó đã có cửa hàng vượt mức doanh thu 4,5 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động sụt giảm lợi nhuận Thế Giới Di Động đóng cửa chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) vừa công bố tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, lũy kế 7 tháng năm 2020, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 64.308 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế (LNST) 2.353 tỷ đồng (giảm 2%) so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch LNST cả năm.

Theo cơ cấu doanh thu, Điện Máy Xanh vẫn là chuỗi cửa hàng đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 56%. Doanh thu online chiếm 9%, tương đương với 5.625 tỷ đồng.

4711 mg 2 4678 1598076380
Mô hình Bách Hóa Xanh "5 tỷ" đi kèm với nhà thuốc An Khang bên cạnh. Ảnh: MWG.

Đáng nói, dù 2020 là một năm khó khăn cho ngành bán lẻ với nhiều doanh nghiệp thua lỗ, cho đến thời điểm hiện tại, song MWG vẫn bảo vệ được biên lợi nhuận ròng lũy kế ở mức 3,7% nhờ sắp xếp lại hệ thống cửa hàng, cải thiện biên lợi nhuận gộp và tối ưu hóa vận hành.

Theo MWG, quý III là mùa thấp điểm nhất đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đó, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của người dân. Trong bối cảnh này, công ty đang có các giải pháp tăng cường sức mạnh chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Cụ thể, công ty đã hoàn tất nâng cấp thiết kế khu sản phẩm gia dụng cho toàn bộ khoảng 300 cửa hàng Điện Máy Xanh lớn. Ngành hàng gia dụng với biên lợi nhuận gộp cao đang đóng góp 9% tổng doanh thu của 2 chuỗi này.

Công ty cũng thử nghiệm mô hình Điện Máy Xanh Supermini (DMS) tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả bước đầu đáng khích lệ khi các cửa hàng đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng và mang lại lợi nhuận khả quan nhờ tối ưu được chi phí hoạt động. Chi phí mặt bằng chỉ bằng 1/4, chi phí nhân sự chỉ bằng 1/3 so với 1 cửa hàng Điện Máy Xanh mini, tiết kiệm nhiều chi phí quản lý, logistics do tận dụng hệ thống sẵn có của Điện Máy Xanh mini…

Bên cạnh đó, công ty vẫn đẩy mạnh khai thác các ngành hàng mới. Mảng đồng hồ hoàn thành kế hoạch 500 cửa hàng để trở thành nhà bán lẻ đồng hồ số một Việt Nam, doanh thu lũy kế 7 tháng hơn 750 tỷ đồng (gần bằng doanh số cả năm 2019 là 800 tỷ đồng). Số điểm bán laptop được nâng lên 770 cửa hàng và mang về gần 1.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 77% so với cùng kỳ.

Với Bách Hóa Xanh, sau khi hoàn thành mục tiêu tăng độ phủ 6 tháng đầu năm, từ tháng 7/2020, MWG sẽ tập trung tăng chất lượng doanh thu, tăng doanh số bình quân trên mỗi cửa hàng, trong khi việc mở mới sẽ ở mức vừa phải.

Cụ thể, Bách Hóa Xanh đã khai trương thêm 75 cửa hàng trong tháng 7 (mức trung bình trước đó là 100 cửa hàng/tháng). Công ty có 1.561 điểm bán tại cuối tháng 7/2020, trong đó cửa hàng ở tỉnh chiếm đến 69%.

Tổng doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh trong tháng 7 tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12% so với tháng 6. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tăng lên khoảng 1,2 tỷ đồng, từ mức 1,1 tỷ đồng trong tháng 6/2020.

Đáng chú ý, Bách Hóa Xanh cũng bắt đầu đưa ra thị trường mô hình cửa hàng “5 tỷ”. Mô hình này có diện tích khoảng 500 m2, sức chứa 6.000-8.000 sản phẩm với mục tiêu số lượt giao dịch 1.000-1.400 lượt/ngày/cửa hàng và doanh số 5 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 7, Bách Hóa Xanh đã có 12 cửa hàng mô hình “5 tỷ” từ việc nâng cấp các cửa hàng hiện hữu có doanh số cao; trong đó đã có cửa hàng vượt mức doanh thu 4,5 tỷ đồng ngay trong tháng 7. Trong thời gian tới, công ty có kế hoạch nhân rộng mô hình “5 tỷ” ở các tỉnh thành lớn.

Ngoài ra, một số cửa hàng “5 tỷ” cũng đang được sắp xếp đi cùng với mô hình nhà thuốc An Khang diện tích từ 20-30m2 nhằm tận dụng được lợi thế lượng khách mua sắm hàng ngày rất lớn ở Bách Hóa Xanh. Kết quả ban đầu của các nhà thuốc này ghi nhận số lượt giao dịch khả quan 100-150 hóa đơn/ngày/cửa hàng.

Văn Huy
Phiên bản di động