Cắt giảm chi tiêu, ngân sách Nhà nước tiết kiệm hơn 49 nghìn tỷ đồng

Cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và chi thường xuyên, Ngân sách Nhà nước tiết kiệm được khoảng 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.
Ngân sách Nhà nước chi vượt thu hơn 125 nghìn tỷ đồng

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2021, diễn ra ngày 8/1.

Theo ông Dũng, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.

Cắt giảm chi tiêu, ngân sách Nhà nước tiết kiệm hơn 49 nghìn tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: MOF)

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn, Bộ đã trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp như tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020...

Kết quả, tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách Trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Theo ông Dũng, năm 2020 tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Trong đó, ngân sách Nhà nước đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; Xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Đồng thời, các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP).

Theo ông Dũng, cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Hậu Lộc
Phiên bản di động