Cuộc “cách mạng” tiết kiệm và đầu tư sớm của thế hệ Z
Gần gũi và hiểu hơn thanh niên thế hệ Z |
Thế hệ sẵn sàng thay đổi
Theo một khảo sát cuối tháng 5/2024 của Google với 1.000 sinh viên năm cuối tại Việt Nam, 33% số người được hỏi đã có kế hoạch kinh doanh hoặc đã bắt đầu kinh doanh.
Chỉ 17% trong số họ muốn vay vốn sinh viên, 62% muốn tìm hiểu về kế hoạch tài chính từ những người khác và có tới 75% trong số này sẵn sàng “nhảy việc” nếu có cơ hội. Phần lớn trong số những gen Z này biết đến tài chính và muốn trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực này.
Thế hệ Z hiện là nhóm người có ảnh hưởng lớn và sức mua đáng kinh ngạc nhưng không ít người trong số họ cho biết họ thật ra lại là những người rất tiết kiệm.
“Khi mua những sản phẩm mà mình muốn hoặc cần, mình đề cao đến mục đích sử dụng hơn. Mình cũng không quan tâm nhiều đến thương hiệu của sản phẩm như những thế hệ trước mà chỉ quan tâm đến tính độc đáo của những sản phẩm đó.
Chẳng hạn, khi mua một bộ quần áo, mình thường không quá quan tâm xem bộ quần áo đó là của thương hiệu nào mà chọn sản phẩm đó vì nó mới lạ và miễn là giá trị của sản phẩm phù hợp với những gì mình đang tìm kiếm. Nếu giá cả khiến mình chưa ưng ý, mình sẵn sàng bỏ thời gian để tìm kiếm những món đồ đó trên sàn thương mại điện tử để tiết kiệm hơn”, Minh Anh (21 tuổi, sinh viên năm cuối) chia sẻ.
Thế hệ Z đang có những cách tiếp cận riêng với tiền bạc, tài chính cá nhân |
Những thế hệ trước như gen X hay gen Y có hành trình đến tuổi trưởng thành đầy rẫy trở ngại và khó khăn như mức lương chậm và điều kiện kinh tế thiếu ổn định. Các thách thức này kết hợp với các hoàn cảnh thế hệ khác, đã giúp hình thành thói quen và thái độ chi tiêu của họ đối với tiền bạc và các khoản nợ.
Từ những sai lầm của các thế hệ đi trước, gen Z đã và đang học hỏi từ chính những sai lầm này của những đàn anh, đàn chị. Họ đang đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm về tiền khi xác định họ chính tương lai của nền tài chính. Thế hệ này phải thích nghi với những thách thức do môi trường hiện tại và quá khứ mang lại. Đáng ngạc nhiên, họ đang thích nghi và điều chỉnh nhanh hơn nhiều so với dự kiến.
Gen Z - những người sinh trong khoảng năm 1997 đến 2012, là những người đầu tiên được tiếp cận với công nghệ từ khi còn bé và có tư duy về tiền tệ, kinh tế. Thêm vào đó, họ được chứng kiến những nỗi sợ hãi, khó khăn của những thế hệ trước đó. Họ thấy được sự vật lộn mưu sinh, thấy việc phải thay đổi ra sao để thích nghi với cuộc sống công nghệ. Còn với tiền, không chỉ biết tiêu, gen Z còn sớm biết kiếm, đồng thời có những tư duy khác biệt về tiền, tài chính cá nhân….
Gen Z đều còn rất trẻ và họ đang từng ngày mở rộng tầm nhìn của mình. Một trong những cách để họ làm điều đó là thông qua mạng internet khi họ đã tìm hiểu về tài chính cá nhân qua Facebook, Twitter hay Instagram. Đặc biệt, họ đang là những “nhà đầu tư” ý tưởng và các nội dung sáng tạo để nuôi sống bản thân từ 2 nền tảng mạng xã hội lớn nhất hiện nay là TikTok và YouTube.
Những gen Z không phải mất nhiều thời gian để làm quen với một cuộc sống mà điện thoại thông minh hay mạng xã hội đang làm chủ cuộc chơi. Họ hiểu biết về công nghệ một cách tự nhiên bởi vì ngay từ khi sinh ra, công nghệ luôn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Và họ cũng có ý thức mạnh về tiền bạc và tài chính cá nhân.
Biết tiết kiệm và mạnh dạn đầu tư khi có cơ hội
Theo một khảo sát của SingSaver đầu tháng 6/2024 - một nền tảng nghiên cứu tài chính, 85% gen Z tham gia cho biết họ đã bắt đầu tiết kiệm và đầu tư tiền nhàn rỗi từ trước năm 22 tuổi. Ở độ tuổi này, thế hệ gen Y làm được điều tương tự chỉ chiếm 41%.
Nguyễn Hoàng Thu Thảo (sinh năm 2001) hiện đang làm công việc freelance tại hai công ty lớn với mức thu nhập 25 - 30 triệu đồng mỗi tháng cho biết đã tham gia thị trường chứng khoán được gần 2 năm.
Bằng việc tự mình tìm tòi qua các kênh kiến thức cùng với sự giúp đỡ từ bạn bè, Thu Thảo đầu tư thêm nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số kỹ thuật khi nhìn vào biểu đồ tài chính của một công ty |
Cô gái 23 tuổi cho biết khi mới bắt đầu, bản thân cũng rất mông lung không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng bằng việc tự mình tìm tòi qua các kênh kiến thức cùng với sự giúp đỡ từ bạn bè, Thu Thảo đầu tư thêm nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số kỹ thuật khi nhìn vào biểu đồ tài chính của một công ty. Cô gái trẻ cũng chủ động để nhạy cảm nắm bắt thời điểm nên bỏ vốn hoặc rút tiền…
Giờ đây, khi chứng khoán đã trở thành kênh thu nhập thứ 2 của Thảo, cùng với sự tiết kiệm khi không quá thích thú với việc mua sắm đồ hiệu hay đi chơi, ăn uống tốn kém, cô tự tin với khoản tiền mình đang có để thực hiện giấc mơ mở cửa hàng bánh ngọt từ bé của mình.
Không may mắn như Thu Thảo khi có nền tảng gia đình vững chắc để ủng hộ ở phía sau, Trần Hải Yến (sinh năm 2000) đã phải đi làm thêm ngay từ năm đầu tiên học đại học. Cuộc sống khó khăn buộc cô gái 24 tuổi phải tìm nhiều cách khác nhau để có được một nguồn thu chủ động hơn. Thương mại điện tử chính là điều giúp Hải Yến vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời.
Bằng việc để dành 500.000 đồng mỗi tháng từ công việc làm thêm, sau 1 năm tích góp, tìm đến nhiều lớp học về quảng cáo, bán hàng, Hải Yến bắt đầu việc bán quần áo trên một sàn thương mại điện tử và có cho mình một chỗ đứng riêng với cộng đồng.
Với Hải Yến, chính những bài học từ thế hệ đi trước cùng sự tiết kiệm, luôn tìm hiểu, nắm bắt xu hướng và sẵn sàng mạo hiểm là điều mà nhiều người trẻ ở thế hệ gen Z như cô đang xây dựng từng ngày |
Cùng với công việc chính hiện tại là nhân viên truyền thông cho một công ty công nghệ, việc đầu tư để bán hàng online ngay lúc thị trường sôi động nhất giúp Hải Yến có cho mình thu nhập đáng mơ ước so với nhiều người.
Cô cho biết, chính những bài học từ thế hệ đi trước cùng sự tiết kiệm, luôn tìm hiểu, nắm bắt xu hướng và sẵn sàng mạo hiểm là điều mà nhiều người trẻ ở thế hệ gen Z như cô đang xây dựng từng ngày.
Giống như Hải Yến hay Thu Thảo, thế hệ trẻ hiện đại đang phá vỡ những quy chuẩn và thói quen không tốt được hình thành ở các thế hệ đi trước. Họ bắt đầu quá trình tách ra khỏi gia đình bằng các nền tảng thương mại điện tử, bằng các nền
tảng blockchain hay thị trường chứng khoán. Trên thực tế, những nhà đầu tư trẻ tuổi nhất của thị trường đang làm khá tốt, tạo ra một cuộc cách mạng về một thế hệ biết tiết kiệm và sẵn sàng đầu tư tài chính.