Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc

Cảm thông, chia sẻ cùng xây tổ ấm

Trong đời sống hôn nhân không ít thử thách, có thể đến từ điều kiện khách quan hay ngay bên trong mỗi thành viên. Điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tuy nhiên, nếu mỗi thành viên đều biết chia sẻ, cảm thông, cùng nhau đối mặt, giải quyết thì mái nhà vẫn sẽ luôn ấm áp, hạnh phúc.
Trao 'Trường đẹp cho em'; 'Cầu hạnh phúc' tặng học sinh dân tộc thiểu số “Dopamine hạnh phúc” của những chiến sĩ trẻ Phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình hạnh phúc

Đồng lòng vượt gian khó

Hiện nay, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Thắng, chị Lê Ngọc Hoà (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) có cơ ngơi khang trang, nhiều của ăn của để. Gia đình anh, chị đang sống rất hạnh phúc, có con ngoan, giỏi…

Chị Hoà kể, thời điểm hai người vừa kết hôn và về chung một nhà, anh, chị phải trải qua khoảng thời gian khó khăn. Hai bàn tay trắng gây dựng cơ nghiệp, chị Hoà và anh Thắng từng chạy đôn, chạy đáo xoay sở từng bữa ăn, từng khoản tiền cho con đi học.

“Khi chúng tôi ra ở riêng, bố, mẹ chồng tôi cho 100 triệu đồng. Dù có số tiền của bố mẹ cho nhưng sống giữa Thủ đô đắt đỏ, hai vợ chồng vẫn phải lận đận mãi mới có thể ổn định được cuộc sống. Ban đầu, hai vợ chồng đi thuê nhà và dành 50 triệu đồng khởi nghiệp. Tôi mở một quán ăn nhỏ nhưng chưa có kinh nghiệm kinh doanh, quảng cáo nên rất nhanh sau đó chúng tôi không thể duy trì được quán mà còn phải nợ nần. Thật sự hai vợ chồng rơi vào cảnh túng thiếu”, chị Hoà chia sẻ.

Gia đình trẻ hạnh phúc
Gia đình luôn cần sự sẻ chia, cảm thông

Suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, vợ chồng anh Thắng, chị Hoà quyết tâm vực dậy. Đặc biệt là anh Thắng quyết tâm không thể để vợ con nheo nhóc, đói nghèo nên tự tìm hiểu kiến thức kinh doanh để tiếp tục con đường hai vợ chồng đã chọn.

“Tôi bình tĩnh hơn vợ nên nói trấn an cô ấy rằng, thua ở đâu ta làm lại ở đó. Làm một lần không được thì làm lần hai, lần ba, rồi sẽ được. Thế rồi, hai vợ chồng đồng lòng làm lại. Chúng tôi vực lại quán nhưng tập trung vào bán đồ ăn vặt và quảng bá trên mạng xã hội, phát triển cả kênh bán hàng online, đi giao hàng cho khách.

Ban đầu dù lãi nhỏ, đi giao hàng rất xa nhưng chúng tôi vẫn chịu khó phục vụ khách hàng. Đến nay, cửa hàng hoạt động khá tốt, vợ chồng tôi mở rộng kinh doanh. Tôi rất vui vì sự đồng lòng của hai vợ chồng đã gây dựng được thương hiệu cũng như có đời sống kinh tế ổn định”, anh Thắng cho biết.

Chia sẻ trách nhiệm, tài chính, cảm xúc

Chuyện của gia đình anh Hoàng Văn Hùng, chị Ngọc Mai (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là bài học của sự thấu hiểu, sẻ chia. Vì mê đồ công nghệ, cũng là dân công nghệ thông tin nên anh Hùng thường “lén” vợ mua các thiết bị công nghệ về nhà để thoả đam mê. Chị Mai lẳng lặng tìm hiểu và biết giá trị của chúng, có đôi lần “xót ví” nhưng vẫn không giận chồng.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ

“Tôi chỉ thỉnh thoảng nhắc anh đừng lãng phí, nếu mua đồ mới thì nên bán bớt đồ cũ đi. Anh cũng hiểu vợ mình rất chiều tính anh nên nghe theo. Mỗi người nhường nhau một chút, hòa khí sẽ lại đong đầy, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc”, chị Mai chia sẻ.

Người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đó như là một quy định ngầm nhiệm vụ của mỗi người trong gia đình và như “mặc định” nhiệm vụ ra ngoài kiếm tiền, chăm lo vật chất cho gia đình là thuộc về đàn ông.

Còn người phụ nữ đóng vai trò “giữ lửa”, vun vén hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, ngày nay, người phụ nữ không chỉ quanh quẩn “nơi góc bếp” mà họ cũng có công việc, có địa vị cũng như các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, việc xây nhà và xây tổ ấm đều đòi hỏi phải có sự đồng lòng, chung sức của cả vợ lẫn chồng.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, vợ chồng độc lập là điều tốt nhưng ít nhất phải có ba thứ chia sẻ với nhau. Đó là chia sẻ trách nhiệm, tránh việc phân chia rạch ròi việc chồng, việc vợ; chia sẻ tài chính; chia sẻ cảm xúc. Việc chia sẻ giống như đinh vít gắn kết hai người, cũng như dây chun buộc càng nhiều vòng càng chặt.

"Tăng cường chia sẻ là một trong những bí quyết để gia đình hạnh phúc. Phải xác định lấy vợ, lấy chồng, xây dựng gia đình là việc nghiêm túc. Giấy chứng nhận hôn nhân là "bản hợp đồng" chung sống được sự chứng thực của cơ quan pháp luật. Còn vợ chồng phải xây dựng những "phụ lục" là những thỏa thuận để đính kèm. Điều này tránh tình trạng không có thỏa thuận, cứ đụng đến việc gì cũng tranh luận, cãi nhau và nhiều lần cãi nhau thì chán không muốn nói nữa...", chuyên gia Đinh Đoàn nói.

Một số cặp vợ chồng đồng tình rằng, người đàn ông vẫn là trụ cột, có nhiệm vụ gánh vác kinh tế gia đình nhưng người phụ nữ cũng phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ hơn. Không chỉ là một người vợ đảm, mẹ hiền, họ còn tham gia công tác xã hội, phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân. Vì thế, để giữ gìn hạnh phúc trong một gia đình hiện đại cần sự đồng lòng, chia sẻ từ hai phía.

Chiến dịch truyền thông “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2023, với chủ đề “Chạm để yêu thương” nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức.

Gần đây, Ban Tổ chức tiếp tục triển khai một số chương trình ý nghĩa, thiết thực; Qua đó nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động