Cấm cán bộ xử lý lòng vòng gây chậm trễ triển khai dự án bất động sản
Vốn ngân hàng rót vào bất động sản tăng lên hơn 1,1 triệu tỷ đồng Thanh tra hàng loạt công ty bất động sản, kiến nghị xử lý nghìn tỷ đồng |
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ làm việc trực tiếp cùng các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,.. giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xử lý lòng vòng gây chậm trễ.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó là tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư các dự án bất động sản, các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Ngoài ra cần tiếp tục thực hiện các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, bám sát diễn biến của thị trường chúng khoán, thị trường trái phiếu; kịp thời đề xuất giải pháp và chủ trì thực hiện để thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ trái phiếu liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Các doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường; điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động, thực hiện dự án.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất các phương án xử lý hài hòa lợi ích và nghiên cứu áp dụng các ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công để giảm giá thành sản xuất.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.