Cách ly tại nhà từ vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc Covid-19: Ai quản, quản ai?

Từ việc nam tiếp viên hàng không mắc Covid-19, cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát và tổ chức lại quy trình cách ly cũng như quy trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức từ những khâu dù là nhỏ nhất.
Lây nhiễm cộng đồng từ BN1347, trách nhiệm thuộc về ai?

Còn nhớ, vào đêm 6/3, sau nhiều ngày cả nước không có ca nhiễm mới thì cả Hà Nội gần như không ngủ khi có trường hợp lây nhiễm là bệnh nhân số 17 (cô gái tên N.H.N ở Trúc Bạch, Hà Nội) mắc Covid-19. Ngay trong đêm, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phải họp gấp để tìm biện pháp ứng phó. Người dân Hà Nội và cả nước lo lắng, bất an. Bất an nhất vẫn là việc khai báo không trung thực của bệnh nhân này khiến việc kiểm soát dịch trở nên vô cùng khó khăn, vất vả.

Và đúng như lo lắng của mọi người, sau đó dịch đã lây lan ở Hà Nội và nhiều địa phương với nhiều người lây nhiễm từ bệnh nhân này. Cùng với những thiệt hại nặng nề về kinh tế trong việc kiểm soát dịch bệnh, điều trị, cách ly người mắc và nghi mắc Covid-19, đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khác, việc cách ly toàn thành phố ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội và đời sống người dân.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành các cấp và toàn xã hội thì ý thức của mỗi người dân là vô cùng quan trọng. Trong chiến thắng dịch Covid-19 ở đợt dịch thứ nhất, có thể nói, là cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực, hy sinh của những người trên tuyến đầu chống dịch, nhưng không thể thiếu được là sự quyết tâm, ý thức phòng chống dịch của cả xã hội và từng cá nhân.

Trong lúc dịch bệnh hoành hành, khó khăn chồng chất nhưng ai ai cũng nêu cao tinh thần quyết tâm “chống giặc” Covid-19. Tất cả mọi chỉ đạo, quy định về cách ly, giãn cách xã hội được từng người dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Mọi người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đóng cửa hàng, quán-cần câu cơm của cả gia đình - để thực hiện yêu cầu về phòng chống dịch. Mọi người sẵn sàng chia sẻ từng cân gạo, gói mỳ, quả trứng… tiếp sức cho nhau cùng qua lúc khó khăn, không vì đói kém, dịch dã mà quên đi trách nhiệm chống dịch cùng cộng đồng.

Đến thời điểm này, đã có rất nhiều hệ lụy kéo theo từ việc thiếu ý thức, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch của nam tiếp viên mắc Covid-19 (Ảnh minh họa)
Đến thời điểm này, đã có rất nhiều hệ lụy kéo theo từ việc thiếu ý thức, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch của nam tiếp viên mắc Covid-19 (Ảnh minh họa)

Nhắc lại để một lần nữa thấy rằng, ý thức của từng cá nhân đối với bản thân và cộng đồng là vô cùng quan trọng trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Điều này đã được minh chứng trong thực tế, khi có những cá nhân không ý thức đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, gây thiệt hại nặng nề không chỉ về kinh tế cho đất nước mà còn tổn hại cả về người và nhiều hệ lụy khác kèm theo.

Điều đó lại một lần nữa hiển hiện khi mà sau gần 90 ngày cả nước không có ca nhiễm mới ở cộng đồng thì ca mắc mới là nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) lại khiến không chỉ TPHCM nói riêng mà cả nước lo lắng, bất an. Không thể không lo lắng khi "bạn trai" của bệnh nhân này đã tiếp xúc và trở thành bệnh nhân 1347, kéo theo mấy trăm người là F1 của 2 bệnh nhân này. Và với cơ chế lây lan theo cấp lũy thừa của dịch bệnh thì nguy cơ dịch lây lan diện rộng cũng không phải là điều không thể xảy ra.

Điều đáng nói ở đây là sự thiếu ý thức của bệnh nhân 1342. Là tiếp viên hàng không, anh này được quán triệt nghiêm ngặt về quy trình cách ly, phòng chống dịch. Không những thế, là tiếp viên trên chuyến bay quốc tế, biết rõ về dịch bệnh đang lây lan nghiêm trọng như thế nào ở các nước trên thế giới, vậy mà tiếp viên này lại có ý thức, hành động coi thường dịch bệnh và sự an toàn của cộng đồng.

Khi thực hiện cách ly tại nhà, đã có những quy định rõ ràng của cơ quan y tế, trong đó người cách ly tại nhà/nơi lưu trú cần phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... nhưng nam tiếp viên này đã không tuân thủ, tiếp xúc với mẹ, bạn trai, bạn gái, cho người khác đến ở cùng, để dịch lây lan, khó kiểm soát. Hơn nữa, đang trong thời gian cách ly, nhưng người này vẫn "rời nhà trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) rồi đi ăn tại đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), đến học tại Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)...".

Đến thời điểm này, đã có rất nhiều hệ lụy kéo theo từ việc thiếu ý thức, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch của nam tiếp viên này. Đó là việc các cơ quan, ban ngành không chỉ của TP HCM mà nhiều địa phương trong cả nước phải vất vả trong việc rà soát, kiểm soát các F1, F2 của nam tiếp viên và các ca thứ phát lây nhiễm. Cùng với đó, gần 100.000 học sinh, sinh viên ở TP HCM phải nghỉ học và ngành Y tế đã phải huy động lực lượng tiến hành truy vết và lập danh sách 800 người tiếp xúc gần...

Trong khi cả nước và mọi người đang dồn sức kiểm soát dịch bệnh thì những hành động thiếu ý thức trách nhiệm của tiếp viên này đang đi ngược với cố gắng của cả cộng đồng. Những hành động này, theo nhận định của lãnh đạo TP HCM, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định, bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng khi cách ly tập trung cũng như tại nhà và trở thành nguồn lây bệnh ra cộng đồng. Những vi phạm của bệnh nhân này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về vi phạm trong việc phòng chống dịch bệnh.

Từ sự việc này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về quy trình cách ly, trong đó có việc cách ly đối với các tiếp viên, nhân viên của Vietnam Airlines. Việc có chế độ cách ly riêng cho các thành viên tổ bay liệu có phù hợp, có được kiểm soát khi xảy ra vi phạm ở chính nơi này. Đó là trong 4 ngày cách ly tại đây, hai bệnh nhân (trong đó có "BN 1342") vi phạm quy định, đi từ khu cách ly này qua khu kia. Trách nhiệm của Vietnam Airlines, của từng cá nhân vi phạm đến đâu trong sự việc này?

Cùng với đó, mọi người cũng không khỏi lo lắng về việc quản lý cách ly ở cộng đồng và tại nhà hiện nay đang được thực hiện như thế nào. Nếu có sự quản lý chặt chẽ theo quy định, tại sao lại có việc tiếp viên này ở chung và tiếp xúc với nhiều người?

Theo quy định, với người được cách ly tại nhà, hàng ngày phải thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Vậy nơi cư trú của bệnh nhân này có thực hiện việc này? Nếu có thực hiện tại sao lại để xảy ra những sơ suất chết người như vậy?

Thực ra, khi có việc tiếp viên này mắc Covid-19, nhiều người mới giật mình vì có những lỗ hổng tưởng chừng rất bình thường nhưng có thể “chết người” khi có chuyện trong quản lý người được cách ly tại nhà và nơi cư trú. Vì thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, việc quản lý này đang bị bỏ ngỏ. Nhiều người sau khi hoàn thành việc cách ly tập trung 14 ngày, khi về nhà phải cách ly trong một khoảng thời gian quy định, nhưng gần như trong thời gian này, nếu bản thân không ý thức tự kiểm soát, thì không có ai kiểm soát. Họ đi đâu, làm gì cũng không ai biết rõ lịch trình.

Chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, thậm chí cả tính mạng của những người làm nhiệm vụ tuyến đầu nhưng chỉ một sơ hở nhỏ như việc quản lý người được cách ly tại nhà, mà cụ thể là trường hợp nam tiếp viên vừa rồi đã nhân lên gấp bội sự thiệt hại về người và tiền của trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ý thức của mỗi người là vô cùng cần thiết, nhưng cần có những cơ chế để kiểm soát việc chấp hành của mọi người về phòng chống dịch, không để “việc đã rồi” mới đi tìm hiểu xem nguyên nhân bắt đầu từ đâu.

Vì thế, kể cả là đã muộn, cũng cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ quy trình cách ly cũng như quy trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức từ những khâu dù là nhỏ nhất.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động