Các “ông lớn” ngân hàng cấp 1,8 tỷ USD xây sân bay Long Thành

Chiều 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1,8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Sân bay Long Thành là tương lai của SASCO Sân bay Long Thành chậm tiến độ do dịch COVID-19 là chưa thuyết phục

Sự kiện do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đầu mối thu xếp vốn, cùng các Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức.

Theo đó, các ngân hàng sẽ cấp tín dụng 1,8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 do ACV là chủ đầu tư. Khoản vốn này tương ứng khoảng 45% tổng mức đầu tư của dự án, trong đó Vietcombank tài trợ 1 tỷ USD, VietinBank tài trợ 450 triệu USD, BIDV tài trợ 350 triệu USD.

Trước đó, cuối tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp nhận cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV cho ACV vay bằng ngoại tệ trung dài hạn để thực hiện dự án.

Các “ông lớn” ngân hàng cấp 1,8 tỷ USD xây sân bay Long Thành
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải, là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và kinh tế - xã hội đất nước ta trong những năm tới.

Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015 với mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng, lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 5.000 ha lớn nhất Việt Nam, công suất hoạt động đón 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý và vận hành.

Cùng với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mở rộng) và sân bay Biên Hòa (đang được nghiên cứu nâng cấp, khai thác dân sự), Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo thành một cụm cảng hàng không quốc tế hiện đại, có quy mô và sức chứa lớn, năng lực khai thác đồng bộ, chất lượng, trở thành trung tâm trung chuyển hàng không, logistics với tầm cỡ hàng đầu khu vực và quốc tế.

Các “ông lớn” ngân hàng cấp 1,8 tỷ USD xây sân bay Long Thành
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1,8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định đầu tư giai đoạn 1 cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, công suất vận chuyển 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, ACV được giao là chủ đầu tư dự án thành phần 3 - "các công trình thiết yếu trong cảng hàng không" - thành phần đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật công nghệ phức tạp nhất đối với toàn bộ giai đoạn 1 của dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD, trong đó dự án thành phần 3 có nhu cầu vay vốn tính đến ngày 13/12/2023 là 1,8 tỷ USD (33%).

Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương nỗ lực tích cực của Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng sự theo dõi, phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng giúp thu xếp được số tiền tài trợ lớn 1,8 tỷ USD để hỗ trợ kịp thời cho chủ đầu tư ACV thực hiện ký kết các hợp đồng thi công với nhà thầu, đáp ứng tiến độ triển khai dự án theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các “ông lớn” ngân hàng cấp 1,8 tỷ USD xây sân bay Long Thành
Khoản tài trợ 1,8 tỷ USD cho một dự án lớn như Cảng Hàng không Long Thành là minh chứng rõ nét cho vị thế và sự lớn mạnh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thu xếp vốn cho các dự án phức tạp và quy mô lớn.

Thủ tướng đánh giá, việc cung cấp khoản tín dụng 1,8 tỷ USD thể hiện một bước phát triển bứt phá của các ngân hàng thương mại trong nước về thu xếp vốn ngoại tệ cho khách hàng. Đây là dự án có tổng số tiền tài trợ và đặc biệt là bằng ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay bởi các ngân hàng thương mại Việt Nam, cụ thể là bởi các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đây cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn vốn vay USD trung dài hạn từ các ngân hàng thương mại Việt Nam, với các điều kiện cạnh tranh hơn so với phương án vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính quốc tế.

Cùng với việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững, khoản tài trợ 1,8 tỷ USD cho một dự án lớn như Cảng Hàng không Long Thành là minh chứng rõ nét cho vị thế và sự lớn mạnh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thu xếp vốn cho các dự án phức tạp và quy mô lớn. Đồng thời, tạo tiền lệ mới tích cực giúp khuyến khích, phát huy sự chủ động của các nhà đầu tư trong nước không phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài trong thời gian tới.

Việc này cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định để xây dựng, phát triển đất nước.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung tiếp tục nghiên cứu, tham gia thu xếp vốn cho các dự án quan trọng quốc gia; khuyến khích nhà đầu tư trong nước phát huy tinh thần chủ động, nâng cao tính tự chủ và năng lực nội sinh trong hợp tác đầu tư phát triển.

Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có kiểm tra, giám sát hoạt động ngoại hối nhằm ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đánh giá cao việc phối hợp thu xếp vốn thành công vừa qua của 3 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV cho dự án và tin tưởng rằng đây sẽ là bước khởi đầu tích cực, tạo tiền đề quan trọng để khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục chủ động hợp tác trong các dự án lớn, quan trọng quốc gia, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của ngành ngân hàng và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước với sự phát triển của đất nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động