Bước đà để xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”

Quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có cả lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, thể hiện khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng Nông thôn mới nâng cao Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số

Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực này. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Với sự quan tâm, xây dựng ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc thúc đẩy chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo, Nhà nghiên cứu và người làm nông nghiệp, tại những địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Kết quả đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; Mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; Mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; Mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản...

Bước đà để xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Trước sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng. Từ năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời đã trang bị hàng nghìn điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ. Hiện nay, khoảng 80% quá trình vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến áp dụng quy trình canh tác, giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đều trên phần mềm.

“Trong 1 triệu héc-ta quy mô của Lộc Trời đang áp dụng những tiêu chí văn phòng không giấy; Đồng ruộng không dấu chân và riêng 110.000ha lúa tại tỉnh An Giang, chúng tôi đã và đang áp dụng sản xuất không giao dịch tiền mặt. Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức được bản đồ số trong canh tác. Việc tập trung đầu tư chuyển đổi số và đổi mới về công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ổn định hai thị trường truyền thống là Philippines, châu Phi mà còn tiếp cận nhiều quốc gia ở thị trường châu Âu đối với những sản phẩm chế biến từ lúa gạo”, ông Thuận nhấn mạnh.

Không chỉ doanh nghiệp lớn mà các hộ nông dân cũng đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất. Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Cư, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số vào trang trại trồng nấm bào ngư xám.

Ông Cư bộc bạch: “Với gần 3.000 phôi nấm trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ tưới phun sương, tốn rất nhiều thời gian, chi phí điện, nước. Từ khi áp dụng hệ thống tưới phun sương tích hợp trên điện thoại thông minh thì tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, ngoài ra, mình còn quản lý được quá trình sinh trưởng, độ ẩm, thời gian phun tưới cho nấm dù ở bất cứ đâu”.

Dần thay đổi thói quen và phương thức sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp không hề có công thức chung, phải được điều chỉnh để phù hợp cho từng địa phương, trang trại và hộ nông dân. Tùy hoàn cảnh, đặc điểm và cả ngân sách của đơn vị, địa phương mà có thể chỉ cần áp dụng công nghệ đến mức phù hợp, cho đến khi nào cần thì có thể đưa công nghệ ứng dụng ở mức cao hơn, phù hợp hơn với mô hình cũng như hoàn cảnh cụ thể. Muốn chuyển đổi số thành công, trước tiên phải hình thành được đội ngũ nông dân có thể làm chủ được công nghệ, biết áp dụng chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo việc triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Bước đà để xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”
Chuyển đổi số góp phần thay đổi thói quen và phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… dần thay đổi phương thức từ “quản lý thủ công” sang “quản lý dựa vào công nghệ số”. Đây là bước tiến quan trọng của ngành trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, giúp đổi mới quản lý ngành nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

“Hệ thống mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc “Định danh Nông sản Việt Nam”, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và trên trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ đẩy mạnh Chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội: Muốn làm, cùng làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn hai lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với kế hoạch vạch ra bài bản cùng những giải pháp cụ thể, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp hứa hẹn tạo đột phá, động lực mới nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

HUYỀN THANH
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động