"Bún mắng", "cháo chửi" và câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng
Gắn Quy tắc ứng xử nơi công cộng với nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội Nếp sống gia đình Hà Nội - nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử |
Từ câu chuyện của một hàng bún ngan
Mới đây, mạng xã hội lại xôn xao về câu chuyện của một hàng bún ngan tại Hàng Bạc (Hà Nội). Theo chia sẻ của T.V - chủ tài khoản mạng xã hội, cô đã đến quán bún bà Nhàn một mình vào lúc 9h40’ sáng 13/3. Do bà Nhàn bận việc cá nhân nên quán vẫn chưa mở bán nên T.V và vài thực khách khác đành ngồi chờ. Trong lúc đợi, cô bạn đã được một vài nhân viên quán khuyên nên “...đi đâu đó, một lát sau quay lại vì nếu đi 1 người chỉ có 1 suất ăn thì bà Nhàn không làm”. Đến khoảng 10h10’ thì bà Nhàn đi xuống và mở hàng. Tuy nhiên khi vừa thấy mặt V, bà Nhàn nói ngay: “Thôi về đi, ở đây 1 suất không làm đâu”. Dù T.V nói cô có thể đợi được thì bà Nhàn vẫn gắt lên: “Đã bảo không bán đâu, đi về đi...” và nói thêm đôi lời khó nghe. T.V cảm thấy bị xúc phạm nên đã rời đi.
Bài đăng của thực khách tên T.V thu hút hàng nghìn lượt tương tác từ cộng đồng mạng |
Bài đăng của T.V đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác, bình luận từ cộng đồng mạng. Đa số đều “kêu ca” về thái độ phục vụ của bà Nhàn từ trước tới nay đều không tốt và có phần “hách dịch”. Tiếp nhận thông tin, ngày 15/3, UBND phường Hàng Bạc đã có buổi kiểm tra, làm việc với bà Nhàn – chủ quán bún ngan nổi tiếng – nhằm làm rõ sự việc.
Tại buổi làm việc, bà Nhàn - chủ quán đã trình bày rằng vào ngày 13/3, do lịch đi lễ chùa nên sáng 14 quán mở cửa muộn hơn bình thường. Bà Nhàn đã phủ nhận việc sử dụng từ ngữ không lịch sự đối với khách hàng như được phản ánh trên mạng xã hội và cho rằng thực khách đang “nói quá” câu chuyện nhằm thu hút sự chú ý.
Cũng trong quá trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán bún ngan Nhàn, đội kiểm tra đã phát hiện vi phạm và lập hồ sơ xử phạt cơ sở này với mức phạt 2 triệu đồng, theo Điểm a, khoản 2 Điều 16 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP về "việc sử dụng dụng cụ chế biến ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật".
Trước đó, cũng một số cửa hàng khác bị phàn nàn về thái độ kinh doanh thiếu tôn trọng thực khách. Rõ ràng, đây là một hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải ngăn chặn, để tránh làm méo mó hình ảnh về du lịch Hà Nội trong mắt du khách.
Nhiều người phàn nàn về chủ quán bún ngan Nhàn |
Quy tắc ứng xử vẫn đang bị xem nhẹ
Không thể phủ nhận, tình trạng "bún mắng", cháo "chửi" và thậm chí trà đá "nói bậy" vẫn tồn tại dù chính quyền TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó bao gồm việc ban hành Quy tắc văn hóa ứng xử tại nơi công cộng và thúc đẩy nếp sống văn hóa trong các hoạt động kinh doanh ẩm thực (2017).
Có vẻ như người tiêu dùng đang có phần trở nên quá “dễ dãi”, thậm chí là cổ súy, dung túng cho những trường hợp chủ quán thường xuyên gắt gỏng và nói lời khó nghe với khách.
Nhiều người còn giữ quan điểm đó là “nét riêng”, “cái duyên buôn bán” của chủ quán, là sự “thẳng tính” cần được thấu hiểu và thông cảm. Hay khó hiểu hơn là khi có thực khách cho rằng những câu chửi, sự gắt gỏng đó là “gia vị” khiến cho món ăn ngon hơn????
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này không chỉ đến từ “tàn dư” của sự khan hiếm hàng hóa trong thời kỳ bao cấp khiến địa vị người bán hàng “cao hơn”, dẫn đến cảm giác người bán đang “ban ơn” cho người mua. Mà còn là do rất nhiều người “ngầm” chấp nhận và thậm chí là thể hiện thích thú với sự thô lỗ, thiếu văn hóa của người bán.
Nhưng những hành vi này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Hà Nội thanh lịch và văn minh. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt, cấp thiết và cụ thể hơn, như tước giấy phép, đình chỉ hoặc thậm chí đóng cửa vĩnh viễn đối với các nhà hàng, quán ăn có cung cách phục vụ không đúng chuẩn. Người tiêu dùng cũng cần phải tỉnh táo, mạnh mẽ "tẩy chay", từ chối bước vào những quán ăn thái độ thiếu văn hóa.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng vẫn đang bị coi nhẹ? |
Nếu người dân Hà Nội biết cách "tẩy chay" những hành vi thiếu văn minh, tuân thủ quy tắc ứng xử nơi công cộng thì không còn chỗ cho các hành vi như "bún mắng","cháo chửi". Đồng thời, trong mỗi gia đình, việc đề cao giáo dục quy tắc ứng xử cho con cái được chú trọng thì sử dụng lời lẽ lịch sự sẽ trở thành thói quen tự nhiên, hình thành nên một thế hệ chuẩn mực về văn hóa ứng xử.