Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại

Trong văn hóa truyền thống, ăn uống được coi là hoạt động chung như một hình thức tương tác xã hội giữa gia đình, bạn bè… Dù vậy, đi cùng vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, hình ảnh nhiều người trẻ ngồi riêng lẻ tại một quán ăn, lặng lẽ vừa ăn vừa lướt màn hình điện thoại hay suy nghĩ về các vấn đề của bản thân đang ngày càng trở nên phổ biến hơn…
Lối sống tối giản giúp người trẻ vượt qua áp lực cuộc sống “Tuần lễ tri ân” – tấm lòng người trẻ với thế hệ cha anh Người trẻ góp sức xoa dịu vết thương chiến tranh

Xu hướng của giới trẻ

Trên con đường đi làm về quen thuộc, Thùy Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) ghé vào quán đồ Nhật quen thuộc. Cô gọi cho mình một bát mỳ ramen và vài miếng sushi yêu thích.

Với Thùy Trang, ăn một mình đôi lúc là sự lựa chọn. Nhiều tối, sau khi làm việc mệt nhoài, cô chỉ muốn tận hưởng thời gian yên tĩnh, không cần nói chuyện hay giao tiếp với ai.

Thùy Trang chọn bàn ở trên gác 2 cạnh cửa kính với view nhìn ra đường phố. Bàn thiết kế cho hai người ngồi nhưng trước mặt cô là chiếc ghế trống. Xung quanh, cũng có vài khách đến quán ăn một mình. Tất cả dường như đều vừa tan làm. Người thì chăm chú ăn uống, người bận rộn không ngừng nghỉ với chiếc điện thoại.

Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại
Đi ăn một mình giúp Thùy Trang có thêm cảm hứng và thoát khỏi cảm xúc tiêu cực

"Dù đi một mình, không ai có vẻ cô đơn cả. Tất cả đều tất bật và chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Không chuyện trò, chỉ có âm thanh của ăn uống và bát đũa va vào nhau", Thùy Trang kể.

Thùy Trang nói rằng cô không phải là người đam mê các hoạt động dành cho một người, nhưng cảm thấy việc dùng bữa một mình trong hàng quán không có gì bất thường. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của cô cũng dùng bữa một mình ít nhất 2 - 3 lần mỗi tuần.

"Với công việc đòi hỏi phải luôn có những ý tưởng mới, mình thấy việc đi ăn một mình giúp có thêm cảm hứng hay đôi khi là thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. Đồ ăn ngon cũng có thể chữa lành, vực dậy mình trong những ngày căng thẳng", cô gái 25 tuổi chia sẻ.

Trong văn hóa truyền thống, ăn uống luôn được coi là hoạt động tập thể. Các bữa ăn, nhất là bữa tối, đôi khi không chỉ là hành vi nạp năng lượng nhằm duy trì sự sống mà còn là một hình thức tương tác xã hội giữa gia đình, bạn bè hay những người quý mến nhau.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, cách ăn uống ở các đô thị lớn trên thế giới đã và đang thay đổi. Khi mà những áp lực trong cuộc sống ngày một gia tăng, làm việc, ăn một mình không phải là điều gì xa lạ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Nhiều người chia sẻ sở thích ăn một mình vì "thuận tiện", "đỡ phiền phức", và đôi khi là "để đầu óc được khuây khỏa vì được ở một mình".

Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại
Quang Huy thích đi ăn một mình vì không muốn gượng ép ai đi cùng

Giống như Thùy Trang, Quang Huy (25 tuổi, kinh doanh tự do) cũng thường dành thời gian đi ăn một mình. Chàng trai trẻ cho rằng đó là một hành động biểu thị cho sự tự do vì không cần phải giao tiếp và cố gắng tỏ ra hòa nhập với những người khác.

"Mình không cảm thấy cô đơn vì có thể vừa ăn, vừa giải trí bằng những việc mình thích như đọc sách, lướt mạng xã hội, chơi game. Mình không muốn gượng ép bạn bè đi ăn cùng mình vì ai cũng bận rộn với cuộc sống, công việc riêng", Quang Huy chia sẻ.

Nhìn nhận khách quan hơn

Sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội khiến nhiều điều mang tính truyền thống đang dần thay đổi. Ăn uống từ một hoạt động mang tính tập thể đang dần trở thành trải nghiệm cá nhân hơn. Nhiều người sẵn sàng thoát khỏi sự kỳ thị của việc ăn uống một mình và ngày càng có nhiều nhà hàng phục vụ những thực khách đơn lẻ.

Thế hệ 8X, 9X và đặc biệt là gen Z ngày nay coi việc sống thoải mái một mình là mục tiêu hướng tới. Bằng chứng của việc này là những video quay cuộc sống một mình luôn được theo dõi rất nhiều trên mạng xã hội. Từng bị coi là điều đáng xấu hổ, thua kém, sự độc lập bây giờ lại trở thành biểu tượng của sự tự do, phóng khoáng trong thời đại mới.

Trần Phương (25 tuổi, freelancer) thường đi ăn một mình khi không thể sắp xếp thời gian ăn chung với bạn bè, gia đình. Theo Phương chia sẻ, điều khiến cô thoải mái khi đi ăn một mình là được tự do chọn món yêu thích, ăn ở đâu mình muốn. Nếu đi với bạn bè, cả nhóm thường phải hẹn trước và sắp xếp để phù hợp lịch trình của mọi người. Đi một mình, cô có thể chủ động về thời gian.

Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại
Trần Phương không ngại việc đi ăn hay làm mọi thứ một mình

"Mình thấy đi ăn một mình là điều rất bình thường. Bản thân là người sống hướng nội nên những khi tâm trạng không tốt, cần suy nghĩ gì đó, mình cũng muốn ở riêng. Thi thoảng, đi ăn, đi dạo hoặc mua vé vào rạp ngồi xem phim một mình khiến mình “ổn” hơn rất nhiều", Trần Phương chia sẻ.

Đang làm cùng lúc nhiều công việc, phải đến sau 10h đêm, sau khi kết thúc ngày làm việc, Nguyễn Thu Hương (27 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới có thể đi ăn tối. Tính chất công việc như vậy nên hầu hết bữa tối, Thu Hương đều đi ăn một mình, một tuần mất tới 5, 6 ngày ăn khuya như vậy.

Là người sống hướng ngoại và vui vẻ khi giao lưu bạn bè, tụ tập cùng đồng nghiệp nhưng cô gái 27 tuổi lại rất thích cảm giác ăn tối một mình. Sau một ngày dài mệt mỏi, được dành chút thời gian cho bản thân khiến cô thực sự thoải mái.

"Nếu so sánh với việc đi chung cùng mọi người, mình thích đi ăn một mình hơn. Đơn giản là vì khi ấy mình được thoải mái chọn món gì cũng được, không cần đắn đo hay phụ thuộc vào ý kiến của người khác", Thu Hương giải thích.

Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại
Bữa ăn một mình đang được nhìn nhận khách quan hơn

Không chỉ đi ăn, ngay cả khi xem phim hay mua sắm, dạo phố, Thu Hương cũng thích đi một mình. Những khoảng thời gian riêng tư như vậy khiến cô được sống chậm lại, để ý sâu hơn đến bản thân và có thể ngắm nhìn mọi người xung quanh.

Với Thu Hương, việc đi ăn một mình thường xuyên không có nghĩa cô là người sống khép kín, không có kỹ năng giao tiếp hay lập dị. Cô nàng 27 tuổi cũng không e ngại khi chỉ có một mình ngồi trong quán ăn.

"Xung quanh mình cũng có nhiều người trẻ có xu hướng thích làm mọi thứ một mình, đơn giản là một kiểu thói quen. Mình nhận thấy những người như vậy thường chủ động, tự lập hơn trong cuộc sống lẫn công việc. Đó chính là mục tiêu mà mình luôn hướng tới", Thu Hương chia sẻ.

Trung Đức
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động