Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Nông nghiệp tổn hại nặng nhất bởi virus corona'
Thương lái Việt bán tháo dưa hấu, thanh long vì dịch virus Corona Không khuyến khích giao thương với Trung Quốc vì virus corona |
Chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng nhấn mạnh, dịch bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu; đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có vắc xin, thuốc đặc trị.
Tiêu thụ thanh long gặp khó vì virus corona. Ảnh: Nguyễn Mai. |
Theo ông Cường, các mặt hàng rau quả, thủy sản, gỗ lâm sản và gạo là những mặt hàng được đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn về xuất khẩu bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Nhấn mạnh đến mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và sức khỏe con người, vị tư lệnh ngành cho rằng, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh này, bởi hiện nay phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.
"Trong khi đó nhiều cam kết thương mại đã và đang được thực hiện, trong điều kiện dịch viêm phổi cấp hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản sang thị trường này", ông Cường đánh giá.
Theo dự báo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp thì tình trạng ùn tắc nông sản, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần nhận dạng rõ các thách thức, đánh giá sát thực tế những tác động để chủ động ứng phó trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng không hoang mang. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động những kế hoạch đảm bảo hoạt động sản xuất ứng phó với dịch viêm phổi cấp.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, đến ngày 2/2 có 307 xe hàng nông sản và 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn đã tập kết tại khu vực cửa khẩu chờ xuất khẩu (Quảng Ninh có 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn; Lạng Sơn có 167 xe hàng nông sản, thanh long là chính; Lào Cai có 140 xe hàng nông sản, chủ yếu là thanh long, 10 xe dưa hấu). Hiện một số chủ xe đã quay về tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở, cặp chợ biên giới bằng phương thức trao đổi cư dân biên giới. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa các cặp chợ biên giới thì doanh nghiệp Trung Quốc bắt buộc chuyển sang nhập khẩu bằng đường chính ngạch (nộp thêm 9% VAT) hoặc hủy không nhận hàng.
Như vậy, một số hàng hóa của Việt Nam sẽ không xuất sang được Trung Quốc do chưa được nước bạn cho phép nhập khẩu chính thức và một số hàng hóa được nhập khẩu chính thức sẽ phải chịu thêm thuế làm tăng giá bán, giảm khả năng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.