Bộ Công thương lập Đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn
Chỉ đích danh nhiều doanh nghiệp không phối hợp giảm giá thịt lợn Hải quan yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu thịt lợn |
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan.
Đoàn kiểm tra sẽ rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn trên thị trường.
Theo quyết định của Bộ Công thương, đối tượng kiểm tra là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi (lợn thịt) và các sản phẩm thịt lợn.
Ảnh minh họa. |
Về phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra tại chỗ (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra) hoặc yêu cầu có văn bản báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra.
Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công thương sẽ có thông báo đề nghị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị báo cáo bằng văn bản, cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu.
Trước đó, tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng”;
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thịt thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội nghị mới đây, từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 nghìn đồng/kg.
Theo lý giải, nguyên nhân giá thịt lợn tăng do nguồn cung giảm, đàn lợn nái, lợn con chết và tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch xảy ra trong cả nước từ tháng 5-7/2019, những lợn nái không chết, cũng rất hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp mà phải qua nhiều khâu trung gian.
Cục Chăn nuôi cho biết, trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt.
Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed,…đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn thịt tại trại với giá từ 74.000-76.000 đồng/kg lợn hơi.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán lợn thịt, chưa hoàn toàn đồng hành cùng với Chính phủ, đồng thời có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung, như Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa… góp phần làm cho giá bị đẩy lên cao.