Bất thường hay bình thường khi loạt “người cũ” MSB sang “làm to” tại PG Bank?

Trong bối cảnh PG Bank bất ngờ công bố dừng phương án sáp nhập với HDBank để củng cố, kiện toàn và hoạt động độc lập thì nhiều “người cũ” từng giữ các vị trí quan trọng tại MSB lại lần lượt gia nhập ngân hàng.
Tổng giám đốc MSB phủ nhận việc sáp nhập PG Bank PG Bank xin ý kiến cổ đông dừng sáp nhập HDBank

Câu chuyện sáp nhập của Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) đã tốn biết bao giấy mực của các cơ quan báo chí và sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian dài.

Ban đầu, PG Bank có ý định sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietiBank) rồi sau đó là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) nhưng đến nay đều không thành.

Chiều 30/3/2021, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch Hội đồng quản trị PG Bank cho biết, việc triển khai đề án sáp nhập với VietinBank và HDBank bị kéo dài và không thành công thời gian qua ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động của ngân hàng.

Vì vậy, Hội đồng quản trị ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chấm dứt sáp nhập với HDBank, đồng thời Hội đồng quản trị chưa có kế hoạch tìm kiếm đối tác nào khác và đề ra chủ trương củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy để hoạt động độc lập.

Trước đó, việc M&A của PG Bank tưởng chừng như đã được định đoạt sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương cho sáp nhập vào HDBank và phía HDBank cử ông Lý Vinh Quang “biệt phái” sang làm Thành viên Hội đồng quản trị PG Bank sau đó được kỳ vọng sẽ giúp thương vụ sớm hoàn tất.

Bất thường hay bình thường khi loạt “người cũ” MSB sang “làm to” tại PG Bank?
Ảnh minh họa.

Trùng hợp là, việc PG Bank sáp nhập với HDBank bị kéo dài và đến nay mới dừng hẳn trùng với thời điểm trong bộ máy điều hành của PG Bank lần lượt có nhiều người của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đến tham gia và nắm những chức vụ quan trọng.

Còn nhớ, vào cuối năm 2020 cũng từng có thông tin dư luận xôn xao với tin đồn MSB thâu tóm PG Bank. Tin đồn này được nhắc tới liên tục khi "người cũ" của MSB sang nắm các chức vụ cao tại PG Bank.

Theo đó, hồi trung tuần tháng 5/2020, một "tướng" của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp sang đầu quân cho PG Bank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tiếp đến, vào đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc và hiện nay là Tổng Giám đốc PG Bank.

Về vấn đề này, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB diễn ra ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, các nhân sự này chuyển sang PG Bank thì đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).

“Quả thật có một số lãnh đạo cũ của MSB đang làm sếp tại PG Bank nhưng việc PG Bank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh chia sẻ.

Ông Linh khẳng định như vậy thì rõ ràng là không có chuyện PG Bank sẽ sáp nhập vào MSB. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng có cơ sở đặt dấu hỏi về việc tại sao hàng loạt người cũ của MSB lại rời ngân hàng để sang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại PG Bank?

Bởi, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra hồi tháng 3/2021 vừa qua, cổ đông PG Bank cũng đã thông qua bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị và một thành viên Ban kiểm soát. Cả hai nhân sự mới của PG Bank đều là lãnh đạo cũ của MSB.

Cụ thể, ông Nilesh RatilalBanglorewala được bầu vào Hội đồng quản trị PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025. Theo lý lịch trích ngang, ông Nilesh có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng làm việc hơn 10 năm tại MSB. Vị trí gần nhất là Giám đốc khối quản lý tài chính kiêm kế toán trưởng MSB (giai đoạn 2015-2020)

Bên cạnh đó, bà Dương Ánh Tuyết cũng được bầu vào Ban Kiểm soát PG Bank. Bà Tuyết công tác tại MSB từ năm 2011, vị trí gần nhất bà này nắm giữ là thành viên Ủy ban nhân sự MSB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM, công ty thành viên của MSB).

"Việc nhiều người cũ của MSB rời ngân hàng để sang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại PG Bank đó không phải là điều bình thường", một người trong lĩnh vực ngân hàng nhận định với phóng viên.

Một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư có cơ sở hoài nghi là không phải đến khi "người cũ" chuyền về PG Bank thì MSB mới có quyền lực ngân hàng này. Trước đó, MSB đã là cổ đông lớn tại PG Bank. Tại ngày 31/12/2018, MSB sở hữu 9,98% vốn của PG Bank.

Tuy nhiên, MSB không hề hiện diện trong nhiều báo cáo của PGBank dù là cổ đông lớn. Ở phần vốn đầu tư của tổ chức tín dụng, PG Bank chỉ ghi nhận duy nhất Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sở hữu số vốn lên đến 1.200 tỷ đồng. Còn nguồn 1.800 tỷ đồng dù rất lớn nhưng chỉ được xác định là vốn góp của các thành viên khác, với nhà đầu tư, đây là yếu tố rất đáng ngại.

Vì vậy, MSB buộc phải bán bớt phần vốn tại PG Bank xuống dưới 5%. Hồi đầu năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, bên mua không được công bố dù rằng cả MSB và PG Bank đều là những công ty đại chúng (các công ty đại chúng buộc phải công bố báo cáo các hoạt động cho cổ đông).

Tuy nhiên, dù không báo cáo cụ thể thương vụ nhưng theo các báo cáo năm 2020, tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ còn Petrolimex được xác định trong khoản mục vốn đầu tư của tổ chức tín dụng với 1.200 tỷ đồng (tương đương 40% vốn PG Bank). Còn khoản mục vốn góp của các thành viên khác đã không còn.

Theo bản cáo bạch của MSB đã công bố hồi tháng 9/2020, tính đến thời điểm này, MSB đã không còn sở hữu cổ phần tại PG Bank (Cuối 2018 sở hữu 9,98%, cuối 2019 MSB chỉ còn sở hữu 4,99% và đến 30/9/2020 đã thoái hết vốn tại PG Bank).

(Còn tiếp)...

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động