Bán khẩu trang giả, kém chất lượng có thể bị xử lý hình sự
Cảnh báo hiện tượng thu gom khẩu trang dùng rồi để bán lại Xử lý hơn 3.200 cửa hàng 'thổi' giá khẩu trang, nước sát khuẩn |
Tại cuộc họp của Bộ Công thương chiều 7/2, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau khi dịch viêm phổi do virus corona bùng phát ở Việt Nam, đơn vị này đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân.
Theo ông Linh, tại 63 tỉnh/ thành phố, các nhà thuốc phải ký cam kết với Quản lý thị trường không được găm hàng, bán đúng giá niêm yết. Trường hợp găm hàng bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất, nếu bán khẩu trang mà không niêm yết giá cũng sẽ xử phạt.
Tại các địa phương, lực lượng 389 cũng chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng y tế, công an, biên phòng… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Quang cảnh cuộc họp. |
Đặc biệt, theo ông Linh, mới đây, đã xuất hiện tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, bán lại, nước xịt rất dễ bị làm giả, nhiều nơi cho dung dịch kém chất lượng đưa lên mạng…
''Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự'', Tổng Cục trưởng khẳng định.
Tại cuộc họp chiều 7/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi; có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo để sớm có báo cáo về vấn đề khẩu trang y tế, sản phẩm y tế 1 lần, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Đối với Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Cục là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt đặt trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng nông sản đang tồn ứ do ách tắc trong thông quan với thị trường trung quốc, đồng thời đánh giá lại quy mô khối lượng đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó đánh giá lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ. Cần tiếp tục làm việc với hệ thống thương vụ ở nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng và thị trường thay thế.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, xem xét cơ chế tạo thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.
Đối với các Vụ, Cục có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại các dự án năng lượng và hoạt động của các doanh nghiệp này, đảm bảo duy trì nhịp độ sản xuất, triển khai của các dự án, đồng thời làm việc với Hiệp hội và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.