Bamboo Airways xin hỗ trợ vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi như Vietnam Airlines

Hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết muốn vay 5.000 tỷ đồng, áp dụng mức lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi tương tự như chính sách đã áp dụng với Vietnam Airlines.
Bamboo Airways không còn là công ty con của Tập đoàn FLC Ông Trịnh Văn Quyết: Bamboo Airways mạnh mẽ mở rộng đội bay, thị phần

Theo đó, Bamboo Airways kiến nghị Nhà nước được hỗ trợ lãi suất vay các ngân hàng thương mại với tổng hạn mức vay vốn dài hạn là 5.000 tỷ đồng, đồng thời áp dụng mức lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi hoặc xem xét cho Bamboo Airways được tiếp cận khoản vay ưu đãi (lãi suất 0%) số tiền 5.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines.

Bamboo Airways cũng đề xuất Chính phủ và Quốc hội tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm (có thể giảm 100%) đối với các chính sách giảm giá dịch vụ, giảm thuế đã được ban hành.

Bamboo Airways xin hỗ trợ vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi như Vietnam Airlines
Máy bay Bamboo Airways

Cụ thể, với thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, đề nghị tăng mức giảm từ 30% lên 50%. Đối với chính sách giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh, điều hành bay, đề xuất tăng thêm thời gian hỗ trợ từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021. Đồng thời ban hành thêm các chính sách miễn giảm thêm các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Về hỗ trợ người lao động, Bamboo Airways kiến nghị tăng thêm thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết 42/NQ-CP đồng thời cho phép người lao động và người sử dụng lao động được hưởng đồng thời cùng lúc nhiều chính sách.

Nhận định về tác động và hiệu quả của các chính sách đã ban hành để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bamboo Airways cho rằng, các giải pháp này chỉ hỗ trợ phần nào do phạm vi hỗ trợ và thời gian hỗ trợ còn hạn chế.

Tổng chi phí ước tính mà Bamboo Airways được giảm do các chính sách nêu trên chỉ ở mức khoảng 120 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng đến từ giảm thuế nhiên liệu bay, 27 tỷ đồng đến từ chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh và 23 tỷ đồng đến từ chính sách giảm giá điều hành bay.

“Mức giảm này chỉ chiếm 1,4% trong tổng chi phí hoạt động của Bamboo Airways”, văn bản nêu rõ.

Theo Bamboo Airways, các chính sách về cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng… tác động với hãng hàng không còn hạn chế. Đặc biệt, việc cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi giá rẻ mới chỉ được áp dụng đối với Vietnam Airlines.

Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết, hãng đang lên kế hoạch niêm yết 105 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM hoặc Hà Nội trong quý 3 năm nay. Mức giá chào sàn dự kiến đạt 60.000 đồng (2,6 USD)/cổ phiếu.

Trong năm 2020, do chịu tác động từ dịch Covid-19, hầu hết hãng hàng không trên thế giới và trong nước đều bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, Bambo Airways cho biết hãng vẫn báo lãi 300 tỷ đồng với lượng khách vận chuyển tăng 40% và số chuyến khai thác tăng 41%.

Hậu Lộc
Phiên bản di động