Bài 3: Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đồng loạt các cửa hàng SEVEN.am
Vụ việc sản phẩm thời trang của thương hiệu SEVEN.am có dấu hiệu cắt mác Trung Quốc như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã lật tẩy đang thu hút sự quan tâm của dự luận cùng báo chí trong và ngoài nước. Nhiều cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm thời trang của SEVEN.am.
Sáng 11/11, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, sau khi xem bài báo điều tra của Báo Tuổi trẻ Thủ đô ông đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội xác minh.
Sáng cùng ngày, xác nhận với phóng viên, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Lực lượng Quản lý thị trường có mặt tại cửa hàng SEVEN.am ở 146 Thái Hà (Đống Đa). |
"Sau khi nhận được chỉ đạo, chúng tôi đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 14 chia thành 5 tổ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông và 506 Nguyễn Văn Cừ. Lực lượng đã bắt đầu kiểm tra đồng loạt từ sáng nay", ông Kiên cho biết.
Ông Kiên cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phải xác minh các hóa đơn, chứng từ xem nhập khẩu chính ngạch hay nhập lậu, nếu nhập khẩu chính ngạch thì kiểm tra tờ khai hải quan doanh nghiệp khai là gì. Nếu nhập khẩu hàng Trung Quốc về nước rồi cắt mác đó là gian lận thương mại trong nước, còn nếu cắt mác trước ở nước ngoài mà vẫn được nhập khẩu thì phải xem xét trách nhiệm của hải quan.
Trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty Cổ phần MHA thời trang SEVEN.am". |
Theo chân các Đoàn kiểm tra được biết, lực lượng Quản lý thị trường ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng trên hệ thống đều có tem của sản phẩm SEVEN.am, xuất xứ "Made in Vietnam", có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty Cổ phần MHA thời trang SEVEN.am".
Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho Đoàn kiểm tra đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064. Toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".
Cừa hàng SEVEN.am tại 11 Kim Đồng cũng xuất hiện lực lượng Quản lý thị trường. |
Theo ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được SEVEN.am thiết kế và chuyển sang Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh sản xuất và chuyển về.
Hiện, Đội Quản lý thị trường số 14 đang tiến hành kiểm tra, yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến hàng hoá và kiểm đếm các sản phẩm tại cửa hàng.
Cũng trong sáng nay, xác nhận với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Chủ thương hiệu thời trang SEVEN.am cho biết, lực lượng Quản lý thị trường cùng liên ngành đã bắt đầu kiểm tra đồng loạt các của hàng ở địa bàn Hà Nội.
Lực lượng Quản lý thị trường tại cửa hàng SEVEN.am 135 Trần Phú (Hà Đông). |
Trước đó, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhập vai làm công nhân của Công ty Cổ phần MHA (thương hiệu SEVEN.AM) tại "tổng kho" tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội) một thời gian thì phát hiện thực trạng cắt tem nhãn có chữ Trung Quốc trên một số sản phẩm khăn, quần áo, đồ lót... rồi gắn thẻ bài có chữ SEVEN.am, Charming Beauty.
Theo đánh giá của các tín đồ thời trang và các chuyên gia kinh tế, việc cắt mác Trung Quốc, mập mờ nguồn gốc xuất xử là hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành may mặc và thương hiệu Việt.
Được biết, thương hiệu thời trang SEVEN.am ra mắt vào năm 2009, đến nay phát triển tới 24 cửa hàng tại 18 tỉnh thành phố lớn trên cả nước. Thương hiệu này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như top 20 doanh nghiệp toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng; bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - top 15 doanh nghiệp hội nhập và phát triển toàn quốc.
Theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty Cổ phần MHA được thành lập vào năm 2008, công ty tăng vốn điều lệ từ 4,8 tỷ đồng lên 9,9 tỷ đồng hồi giữa năm 2018. Trong đó, gồm 3 cổ đông sáng lập: ông Nguyễn Vũ Hải Anh nắm 60%, ông Đặng Quốc Anh nắm 30% (ông Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này) và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%.
Chiều 11/11, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ 389 Quốc gia cho biết đã nhận được thông tin sự việc nhưng chưa có báo cáo cụ thể. "Chúng tôi cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi gian lận thương mại", ông Thế nhấn mạnh. |
(Còn nữa...)