Chấm điểm công tác an toàn thực phẩm năm 2024 tại quận Đống Đa
Hà Nội xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩmThành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩmVĩnh Phúc: Nhiều giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm |
Triển khai hiệu quả các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Báo cáo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Đống Đa năm 2024 cho thấy, hiện quận có 3.960 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 2 trung tâm thương mại, 16 siêu thị và 9 chợ.
Thực hiện đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025", quận đã cấp 196 Biển nhận diện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện ATTP tại 9 chợ; Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025" đã cấp 81 Biển nhận diện cửa hàng trái cây.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Quận cũng xây dựng mô hình kiểm soát ATTP với thức ăn đường phố phường Trung Liệt; mô hình Tuyến phố văn minh phường Cát Linh, Ô Chợ Dừa; mô hình Tuyến phố an toàn có kiêm soát tại phố Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ); duy trì Tuyến phố dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp hoạt động tuyên truyền về các di tích lịch sử, lễ hội; xây dựng Mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát kết hợp hoạt động phòng chống rác thải nhựa, túi ni lông tại phố Huỳnh Thúc Kháng; duy trì Mô hình "Chợ văn minh Thái Hà" do Hội Liên hiệp phụ nữ Quận triển khai.
Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ngày càng được nâng cao, đảm bảo thông tin kịp thời và chính xác.
Các đơn vị trên địa bàn luôn sẵn sàng huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tại chỗ để triển khai điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc theo đúng quy định; thực hiện ghi chép đầy đủ sổ sách theo dõi công tác Quản lý ngộ độc thực phẩm.
100% các trường học trên địa bàn quận xây dựng phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường.
Toàn quận có 46 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm của quận và 21 phường; công khai đường dây nóng qua công thông tin điện tử quận, hệ thông loa truyền thanh phường, bảng tin cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn quận. Nhờ đó, trong năm 2024, trên địa bàn quận không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra
Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm của quận Đống Đa đã cập nhật thường xuyên, liên tục các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND thành phố về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tham mưu cho UBND quận ban hành các công văn chỉ đạo các đơn vị và UBND 21 phường triển khai các hoạt động về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp từng thời điểm và tình hình thực tiễn. Qua đó, UBND các phường đã cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm tại cộng đồng.
Về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, trong năm 2024, các đoàn kiểm tra của quận đã tiến hành kiểm tra 3.482 cơ sở/3.482 cơ sở quản lý (đạt tỷ lệ 100%), trong đó tổng số cơ sở đạt là 3.310 (tỷ lệ hơn 95%) và xử lý vi phạm 172 cơ sở với số tiền hơn 474 triệu đồng, đồng thời yêu cầu 2 cơ sở ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Qua kiểm tra, các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện, gồm: Không có đủ dụng cụ bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người chế biến thức ăn không đeo khẩu trang; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc |
Dựa theo Bảng tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã theo hướng dẫn số 4021/HD-SYT ngày 7/9/2023 của Sở Y tế Hà Nội, đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã thống nhất chấm công tác an toàn thực phẩm của quận Đống Đa năm 2024 đạt 98/100 điểm, xếp loại xuất sắc.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại quận Đống Đa, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội nhấn mạnh: công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này cần tiếp tục được các cơ quan chức năng của quận tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục; trong đó chủ động truy xuất nguồn gốc thực phẩm và tăng cường công tác hậu kiểm.
Bên cạnh đó, ông Vũ Cao Cương cũng đề nghị quận Đống Đa tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập về phòng chống ngộ độc trong trường học, tránh tình trạng lúng túng khi sự cố xảy ra. Đồng thời, quận cần đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các phần mềm quản lý an toàn thực phẩm.