Bài 2: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới
Bài 1: Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới |
Chính quyền, Nhân dân đồng thuận
Ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết, xã Liên Châu là xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc.
Với quan điểm “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xã Liên Châu tiếp tục triển khai các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Đoàn thẩm định Nông thôn mới nâng cao tại xã Liên Châu |
Công tác tuyên truyền được xã chú trọng nhằm vận động sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân, huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, xã chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Đến nay, xã Liên Châu cơ bản đạt chuẩn về các nội dung theo tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Xã đã huy động nguồn lực to lớn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu với tổng giá trị là 260,6 tỷ đồng trong đó huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Nhân dân là 22,4 tỷ đồng chiếm 8,6% tổng giá trị.
Làng văn hoá kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu |
Từ kết quả đạt được trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay bộ mặt nông thôn mới đã thay đổi cơ bản, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng và cải tạo khang trang, môi trường có tiến bộ rõ rệt, kinh tế địa phương phát triển đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được nâng lên rõ rệt.
Vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền được tăng cường, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội được khẳng định. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong nông thôn được duy trì và phát triển. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.
Cây phật thủ mang lại thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống cho người dân xã Liên Châu. |
Bà Đào Thị Hoà, thôn Thụ Ích 2 cho biết, để xây dựng NTM toàn thôn đã xác định tuyên truyền là khâu đột phá quan trọng giúp cho cán bộ hội viên các đoàn thể cùng toàn thể Nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của công cuộc xây dựng thôn thông minh, phấn đấu trong năm 2024 thôn đạt xã nông thôn thông minh, đã triển khai đồng bộ, sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau đến cán bộ hội viên các đoàn thể cùng toàn thể Nhân dân.
Quán triệt quan điểm xây dựng thôn thông minh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là cuộc vận động toàn dân, chỉ có sự tham gia chủ động, tích cực của Nhân dân, của các hội viên các đoàn thể thì mới thành công, thực tế cho thấy làm tốt công tác tuyên truyền cả về bề rộng, chiều sâu với các hình thức tuyên truyền phong phú như tổ liên gia, các ngõ xóm, gia đình hội viên các hội viên cùng toàn thể nhân dân từ đó hiểu và tự nguyện, tự giác gương mẫu đi đầu tham gia mang lại hiệu quả thiết thực, các chi hội trong thôn dân cư, phối hợp tuyên truyền.
Chuồng trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả cao |
Cùng với đó, xây dựng thôn thông minh các chi hội trong thôn Thụ Ích 2 cùng 3 thôn dân cư trong Làng văn hóa kiêu mẫu, vận động các hội viện và Nhân dân hiến 5.000m2 đất 95% xây dựng hồ sinh thái, ủng hộ đất mở rộng đường trong thôn, duy trì các tuyến đường tự quản của các chi hội trong thôn luôn sáng xanh sạch đẹp, chất tường bao loan, vẽ tranh được hội viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đồng quan điểm trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Nguyễn Hữu Hởi cho biết, xã Nguyệt Đức là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Sau nhiều năm chung sức đồng lòng giữ vững danh hiệu nông thôn mới tiếp tục phấn đấu để hôm nay được đón nhận danh hiệu xã Nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới tích cực, ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Đoàn thẩm tra xã Nguyệt Đức đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu |
Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, xã Nguyệt Đức luôn duy trì và từng bước nâng cao 19/19 tiêu chí đã thực hiện và tiến tới thực hiện các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
Trên cơ sở nền tảng của những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân xã Nguyệt Đức quyết tâm xây dựng xã NTM kiểu mẫu và lựa chọn các tiêu chí thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục; văn hóa; cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ; bổ sung các thiết chế văn hóa, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan nông thôn; quan tâm phát triển kinh tế, đa dạng ngành nghề, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tuyến đường thôn Nghinh Tiên 1 |
Theo báo cáo các nội dung thực hiện xã NTM kiểu mẫu, đến nay, thu nhập của xã đạt 75,45 triệu đồng/người/năm. Đảm bảo theo yêu cầu thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm.
Thực hiện nội dung có ít nhất một mô hình thôn thông minh để đạt xã NTM kiểu mẫu, tính đến ngày 9/4/2024, xã Nguyệt Đức có 5 thôn: Đinh Xá 1, Đinh Xá 2, Đinh Xá 4, Xuân Đài và Nghinh Tiên 1 được Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc công nhận đạt chuẩn thôn thông minh năm 2023 tại Quyết định số 968/QĐ-UBND.
Hiện nay, xã Nguyệt Đức đã có 2/3 trường (tiểu học, trung học cơ sở) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 và trong 5 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét, công nhận, xã Nguyệt Đức có 4 năm 2019, 2020, 2022, 2023 đạt kết quả giáo dục và các hoạt động khác thuộc tốp đầu được cấp có thẩm quyền công nhận.
Năm 2023, xã có 11/11 thôn được Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc công nhận danh hiệu thôn văn hóa (đạt 100%); toàn xã có 35 câu lạc bộ trong đó gồm 22 câu lạc bộ thể dục thể thao, 1 câu lạc bộ thơ ca làng Nghinh Tiên, 1 câu lạc bộ chiếu chèo làng Đinh Xá, 1 câu lạc bộ văn nghệ thôn Xuân Đài… đều hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại với quy mô lớn, cho thu nhập nhập cao |
Việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở xã Nguyệt Đức luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng dân cư. Người dân đã trở thành nhân tố chính, chủ thể xuyên suốt trong các hoạt động NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; vai trò chủ thể của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới ngày một cao, nhiều hộ gia đình đã tích cực đóng góp sức lao động, vật liệu, hiến đất làm công trình giao thông, thủy lợi....
Đến nay, xã có 9/11 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 5/11 thôn đạt thôn thông minh, xã đạt 4/4 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025. Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Qua công tác tuyên truyền, vận động của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Nguyệt Đức, đa số các gia đình nhận thức rõ về ý nghĩa, mục đích, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, sự tham gia của người dân vào việc xây dựng NTM được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong thí điểm mô hình.
Mộc góc làng Đinh Xá, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu |
Khi tham gia vào quá trình xây dựng NTM với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.
Ông Dương Đức Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc cho biết, vừa qua, thị trấn Yên Lạc công bố quyết định công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và chính quyền thị trấn Yên Lạc luôn phát huy tiềm năng và thế mạnh, khắc phục những khó khăn để đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất ước đạt: 2.151 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; tốc độ tăng trưởng bình quân duy trì ở mức 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,52%...
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An tặng hoa chúc mừng thị trấn Yên Lạc |
Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo; lĩnh vực văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng…
Sau 2 năm tổ chức thực hiện xây dựng đô thị văn minh, thị trấn Yên Lạc đã đạt 9/9 tiêu chí với 52/52 nội dung; là một trong những thị trấn đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Ngọc Tú trao quyết định công nhận thị trấn Yên Lạc đạt chuẩn Đô thị văn minh năm 2023 |
Thời gian tới, thị trấn Yên Lạc tiếp tục huy động và khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đô thị văn minh, với phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Cùng đó, thị trấn cũng sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, hoạt động hiệu lực hiệu quả của Ban Chỉ đạo xây dựng đô thị văn minh, rà soát lập kế hoạch, lộ trình cụ thể phấn đấu đạt đô thị thông minh trong thời gian tới.
Lãnh đạo huyện Yên Lạc đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng đô thị văn minh. |
Đồng thời, địa phương cũng chú trọng phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững, tiến tới không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều; quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất các trường học đảm bảo đạt chuẩn quốc gia ở mức cao.
Ngoài ra, thị trấn cũng sẽ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng tuyến đường, tuyến phố ngăn nắp, gọn gàng; khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất văn hóa, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cho người dân...
Phát triển đô thị trong xây dựng Nông thôn mới
Ông Dương Quang Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc. |
Ông Dương Quang Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại trong xây dựng nông thôn mới nâng cao luôn được các cấp chính quyền huyện Yên Lạc quan tâm, chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển đô thị hài hòa với xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Yên Lạc cũng chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch vùng huyện. Để tạo điểm nhấn về đô thị, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Quảng trường Kim Ngọc với diện tích 5,6ha, tổng mức đầu tư 98,678 tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. |
Về giao thông, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng như: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông huyện Yên Lạc (Đoạn từ ĐT.304 gần trường THCS Yên Đồng đến khu tái định cư xã Đại Tự); cải tạo, nâng cấp đường giao thông huyện Yên Lạc (tuyến từ trường tiểu học Văn Tiến đi Can Bi)…
Đến nay, 35 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 82,11km được bê tông hóa, nhựa hóa được bảo trì hàng năm, có các hạng mục biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, trồng cây xanh, cây bóng mát, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đạt tiêu chuẩn đảm bảo chiếu sáng cho nhân dân đi lại vào ban đêm và an ninh trật tự tại nông thôn.
Quảng trường Kim Ngọc, huyện Yên Lạc. |
Đồng thời, các địa phương cũng quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp, đảm bảo đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã, liên vùng, giữa các vùng nguyên liệu tập trung và phù hợp với quá trình đô thị hóa. Đến nay, 151,26km đường xã và đường thôn trên địa bàn huyện đã có điện chiếu sáng, trồng cây xanh.
Hệ thống kênh mương thường xuyên được tu bổ, cải tạo, nạo vét, dòng chảy thông thoáng, đảm bảo tốt cho công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống. Thường xuyên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn huyện đảm bảo kỹ thuật ngành điện, hệ thống điện hoạt động ổn định, an toàn không có sự cố xảy ra.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ quan trọng, mở ra triển vọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn. |
Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, duy trì kết quả phổ cập giáo dục. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 54/54 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tiểu học và trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia; 4/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 3 có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2).
Để nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, cuối năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hơn 313 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc. Cùng với đó, các địa phương cũng đầu tư cải tạo nâng cấp các Trung tâm Y tế xã nhằm đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Để góp phần thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xã và khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn/xóm theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đó, đầu tư cải tạo nâng cấp, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của việc chuyển đổi số. Các điểm bưu điện văn hóa xã, đài truyền thanh xã và hệ thống loa đến các thôn/xóm được cải tạo nâng cấp. Chất lượng các dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục được nâng cao. Đến nay, 15/15 xã, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong điều hành, giải quyết công việc. 100% các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích… trên địa bàn 9 xã nông thôn mới nâng cao được gắn biển địa chỉ số.
Tính đến hết năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã Quyết định công nhận 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 74 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 thôn nông thôn mới thông minh.
Trong thời gian tới, huyện Yên Lạc sẽ tiếp tục chủ trương hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: Giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường...
Đồng thời, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu đô thị, khu xử lý rác thải tập trung liên xã.
Ngoài ra, huyện cũng sẽ tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến tháng 6/2024, trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh; 2 đô thị văn minh (thị trấn Yên Lạc và thị trấn Tam Hồng). Đến năm 2025, toàn bộ các xã của huyện đạt xã NTM nâng cao.