Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới

Bài 3: Cần có những con người văn hóa

Con người văn hóa sẽ làm nên những giá trị văn hóa. Có thể nói, chính hai Bộ quy tắc ứng xử sẽ làm nên diện mạo văn hóa Hà Nội những năm tới đây, đặc biệt là một diện mạo Hà Nội đi qua dịch bệnh mà vẫn ổn định và phát triển.
Bài 2: Kỷ luật cứng, văn hóa mềm trong mùa dịch Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới Công nhận "Chợ tình Khâu Vai" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Những giá trị cần phải gìn giữ

Trải qua hàng nghìn, vài nghìn năm hình thành và phát triển, điều gì làm nên đặc trưng, làm nên cốt cách không phai nhòa qua thời gian, qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử? Điều đó chính là văn hóa.

Văn hóa là cái để người ta phân biệt những con người đến từ vùng miền, lãnh thổ khác nhau. Không ai mang theo những lâu đài, thành quách, tiền bạc, sản vật theo mình để nhìn cái là người ta biết mình đến từ đâu. Qua lời nói, cử chỉ, cách ứng xử là mỗi người sẽ toát lên văn hóa đặc trưng được hình thành, trao truyền qua nhiều thế hệ của quê hương xứ sở của mình.

Hai bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội  giúp công chức, viên chức, người lao động vững vàng xác lập những giá trị văn hóa để vượt qua mọi khó khăn
Hai bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội giúp công chức, viên chức, người lao động vững vàng xác lập những giá trị văn hóa để vượt qua mọi khó khăn

Chả thế mà, trên thế giới, nói đến trí tuệ là người ta nhắc ngay đến người Đức. “Phớt Ăng-lê” nghĩa là bình tĩnh như người Anh. Người Anh là những người mà sự điềm tĩnh hầu như là đặc tính điển hình. Các nhà sử học cho rằng đặc tính này hình thành từ thời Nữ hoàng Victoria (trị vì từ 1837 - 1901) với những người đàn ông của giới thượng lưu. Họ được dạy ở nhà trường về sự kiềm chế cảm xúc và sự bình tĩnh cao độ trước mọi sự hỗn độn.

Hay nói đến người Nhật là tính kỉ luật và sự tỉ mỉ, người Ý là đặt gia đình lên trên hết, người Pháp rất lịch sự… Nét văn hóa ấy cũng giống như “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” toát lên từ những người Hà Nội được hình thành qua bao nhiêu thế hệ vậy.

Nói câu chuyện văn hóa con người ở đây để thấy, dù bối cảnh xã hội thế nào, nếu chúng ta giữ vững được văn hóa của mình thì chúng ta sẽ chiến thắng mọi nghịch cảnh. Cả thế giới đã từng ngưỡng mộ trước thái độ người Nhật ứng xử trong vụ thảm họa động đất sóng thần dạo nào. Điều gì khiến cho trước cả cái chết đe dọa ngay sau lưng mà họ vẫn có thể đứng xếp hàng chờ xe chở đi tránh nạn, chờ phát thực phẩm?

Tại sao họ không nháo nhào lao lên tranh giành được đưa lên xe trước? Tại sao họ không cướp giật lấy hết những thứ mình có thể cướp dựa trên sức mạnh và sự liều lĩnh của mỗi người? Đó chính là văn hóa ứng xử, văn hóa con người được hình thành từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hay phải chịu thiên tai động đất sóng thần, từ kỉ luật mà nhiều đời họ truyền cho nhau, coi đó là bảo vật quốc gia còn quý báu hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Bài 3: Cần có những con người văn hóa

Một phụ nữ lấy chồng Nhật kể chị đi đổ xăng khi có báo tin nạn khan hiếm do ở Nhật có vùng bị thiên tai. Để phòng xa, chị định đổ đầy bình nhưng người chồng ngăn lại, đổ nửa bình thôi, để chừa cho người bị thiếu đủ thứ ở vùng có thiên tai. Đó là lối ứng xử vừa nhân văn cao cả vừa thể hiện sự nhường nhịn, biết tiết chế nhu cầu cá nhân vì cộng đồng.

Vì họ hiểu rằng, mỗi cá nhân cần phải đóng góp cho cả xã hội, nhất là tình trạng nhiều loạn thì lại càng không để nhiễu loạn thêm. Tại Hà Nội, những ngày đầu dịch bệnh diễn ra, cũng có trường hợp chen nhau vét sạch hàng hóa trong siêu thị, những hành động này nhanh chóng bị lên án và thực tế đã trả lời, đó là việc làm rất đáng xấu hổ, thừa thãi. Chính quyền không để cho dân phải đói, phải thiếu.

Qua những sự việc ấy, chúng ta đã hiểu rằng phải trật tự thì việc chính quyền triển khai các biện pháp cứu trợ mới có hiệu quả. Trước đại họa, một cá nhân giở trò xấu xa cũng không thoát được. Rất may, những biểu hiện lệch chuẩn ấy đã nhanh chóng bị loại bỏ khỏi xã hội. Hà Nội đã rất bình thường trong những điều kiện không được bình thường như trước dịch bệnh.

Có được điều đó, hẳn là bởi hai Bộ Quy tắc ứng xử đã có thời gian ăn sâu bám rễ, triển khai thiết thực và phát huy tác dụng của mình trong đời sống cán bộ, công chức viên chức, người lao động cũng như công dân trên địa bàn Thủ đô.

Để trao truyền cho con cháu mai sau

Chúng ta đã được nghe, được biết một Hà Nội nghĩa tình trong chiến tranh, trong sơ tán, trong những ngày bom B52 cày nát từng con đường, ngõ phố Thủ đô. Lúc ấy người Hà Nội đùm bọc nhau cùng vượt qua mưa bom bão đạn. Mấy chục năm nữa, chúng ta sẽ kể với con cháu những gì về Hà Nội những ngày dịch bệnh này?

Đó sẽ là việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định 5K, là vào những lúc cao điểm của dịch bệnh, vỉa hè không còn nhốn nháo người bán hàng rong, công sở răm rắp thực hiện giãn cách, mọi việc vẫn băng băng dù là làm việc tại nhà hay cơ quan, mỗi công nhân viên chức của Hà Nội đi đầu gương mẫu thực hiện tốt, lan tỏa sự đúng đắn, cần thiết của cả hai Bộ Quy tắc ứng xử ở cả cơ quan lẫn nơi công cộng, khu dân cư.

Hơn ai hết, nhân viên công sở cần phải là những người đi đầu trong việc xây dựng văn hóa ứng phó với dịch bệnh. Là người thuộc đối tượng điều chỉnh trong cả hai Bộ Quy tắc này, nhân viên công sở đóng vai trò rất lớn. Họ hiểu biết, làm đúng, làm nghiêm thì công sở sẽ văn minh, an toàn, hiệu quả. Họ cũng là người tuyên truyền, lan tỏa và giám sát việc thực hiện những hành vi văn hóa tại nơi cư trú.

Bài 3: Cần có những con người văn hóa

Chị Minh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể về những khó khăn mà mình gặp phải khi làm việc tại nhà. Ban đầu, mẹ chồng chị cứ nghĩ ở nhà thì thôi, việc gì phải làm việc, tại sao chị cứ phải ôm máy tính suốt cả ngày vì “có ai kiểm tra đâu mà cứ phải ngồi, cứ bỏ đấy đi nấu cơm, trông con có làm sao đâu”. Chị phải rất nhiều lần giải thích rằng cơ quan vẫn phải bỏ tiền trả lương mình, mình vẫn phải hoàn thành công việc chứ không phải chỉ ngồi ôm máy tính chống đối.

Phải mất rất nhiều thời gian chị mới giải thích được cho mẹ chồng rằng, không chỉ riêng mình chị mà còn rất nhiều người ở Hà Nội làm việc tại nhà và phải làm việc nghiêm túc hơn nữa, tự giác hơn nữa chứ không thể lơ là, vô trách nhiệm.

Bên cạnh đó, chị Minh cũng cảm nhận sâu sắc hơn việc cần có ý thức trong mùa dịch. Dù không đến cơ quan nhưng hình ảnh văn phòng, chỗ ngồi của chị nơi làm việc vẫn sạch bong chờ ngày trở lại được đồng nghiệp gửi cho khiến chị rất cảm động. Đồng hành với những hoạt động của cơ quan, chị Minh còn tuyên truyền, lan tỏa các phong trào tiêu thụ nông sản, đóng góp ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 về với gia đình, tổ dân phố… khiến ai nấy đều hào hứng tham gia.

Trong khi đó, chị Lan (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì… đến khổ vì làm việc tại nhà, mẹ chồng chốc lại giục về quê ăn giỗ, chốc lại bảo về quê thăm người nọ, người kia. Chị phải dẫn chứng trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc công ty Hacinco) bị cách chức vì làm lây lan dịch bệnh để người thân hiểu rằng, Hà Nội đã ban hành nhân viên các cơ quan phải xin phép người đứng đầu khi ra khỏi thành phố… Điều này là sự cảnh báo đối với dân công sở, phải chấp hành nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch chứ không phải ở nhà muốn đi đâu thì đi.

Cũng từ trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh, mỗi công chức, người lao động tại Thủ đô thêm phần ý thức nhắc nhở nhau phải “xắn tay vào cuộc” cùng chống dịch bằng những việc làm, hành động cụ thể chứ không thể bàng quan, coi như không phải việc của mình vì dịch bệnh chưa lây đến mình.

Nét văn hóa tại nơi công sở, tại khu dân cư được hình thành trong mùa dịch này một lần nữa cho thấy, hai Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội ban hành ngày càng phát huy tính thiết thực, khả thi, đi sâu vào đời sống và là những “lá chắn mềm” bảo vệ chúng ta trước mọi biến động của xã hội.

Đây cũng chính là vốn văn hóa quý báu mà chúng ta xác lập, chắt lọc được để vượt qua giai đoạn khó khăn này và trao truyền cho thế hệ mai sau, để con cháu chúng ta có nền tảng vững chắc khi đối mặt với bất cứ rủi ro, nguy nan nào.

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động